Giá quặng sắt thế giới sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu thấp

Giá quặng sắt thế giới đã giảm 31% kể từ đầu năm đến nay và sẽ giảm tiếp trong các tháng tới do nhu cầu thấp. Hiện giá quặng sắt đứng ở mức 94,7 USD/tấn.
Giá quặng sắt thế giới sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu thấp ảnh 1Một mỏ quặng sắt tại miền Tây Australia. (Nguồn: BBC)

Giá quặng sắt thế giới đã giảm 31% kể từ đầu năm đến nay và sẽ giảm tiếp trong các tháng tới do nhu cầu thấp. Hiện giá quặng sắt đứng ở mức 94,7 USD/tấn.

Đó là dự báo mới nhất của BHP Billiton của Australia - hãng khai mỏ lớn nhất thế giới. Theo Mike Henry, Giám đốc tiếp thị của BHP Billiton, trong thời gian dài, ngành khai thác quặng sắt đã chứng kiến đà giảm mạnh mà đỉnh điểm là ngày 16/6, giá quặng chỉ còn 89 USD/tấn - mức thấp nhất trong vòng 21 tháng qua.

Quặng sắt liên tục rớt giá là do tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới là Trung Quốc bắt đầu chững lại, kéo theo nhu cầu thép cũng bị giảm theo.

Trong khi đó, các nguồn cung quặng sắt giá rẻ với hàm lượng sắt thấp vẫn liên tục được đưa ra thị trường, khiến giá quặng càng rớt mạnh.

Trước đó, trong tháng Sáu, Cơ quan Kinh tế năng lượng và Tài nguyên của Australia đã hạ thấp dự báo giá quặng bình quân, chỉ là 105 USD/tấn cho năm 2014 và 97 USD/tấn cho năm 2015.

Giới phân tích nhận định: Giá quặng sắt biến thiên khó lường, thậm chí có thể tụt xuống 90 USD/tấn nhưng với các nhà sản xuất có công nghệ khai thác tiên tiến như Rio Tinto hay BHP Billiton thì lợi nhuận vẫn được bảo đảm bởi chi phí sản xuất của hai công ty này chỉ là 43 USD/tấn và 45 USD/tấn.

Tuy nhiên, đây sẽ là thách thức với các nhà khai thác quặng có chi phí sản xuất cao như Fortescue với 72 USD/tấn, Pilbara hay Atlas với 82 USD/tấn.

Theo đánh giá của Standard & Poor’s và Moody's, chỉ cần giá quặng sắt mất thêm 8 USD/tấn, doanh thu của Fortescue sẽ giảm 11% so với năm 2013 (khoảng 1,1 tỷ USD), còn doanh thu của Atlas sẽ giảm 9% (khoảng 90 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.