Gia tăng căng thẳng tại biên giới tranh chấp giữa Djibouti và Eritrea

Liên minh châu Phi (AU) đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Djibouti và Eritrea, đồng thời hối thúc 2 bên "kiềm chế."
Gia tăng căng thẳng tại biên giới tranh chấp giữa Djibouti và Eritrea ảnh 1(Nguồn: Africanews.com)

Liên minh châu Phi (AU) đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Djibouti và Eritrea, đồng thời hối thúc 2 bên "kiềm chế" những hành động có thể làm căng thẳng leo thang sau khi quân đội Qatar quyết định rút khỏi vùng đệm tranh chấp này.

Ngày 17/6, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat đã kêu gọi Djibouti và Eritrea, đều là thành viên của AU, "bình tĩnh và kiềm chế" đồng thời cho biết AU có thể sẽ phái một nhóm đại diện hỗn hợp đến tìm hiểu thực tế tình hình ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Chủ tịch Mahamat đồng thời nhấn mạnh AU sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong các khuôn khổ, công cụ của tổ chức này để hỗ trợ hai nước bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Djibouti Mahmoud Ali Youssouf cáo buộc Eritrea triển khai lực lượng tới khu vực tranh chấp Doumeira, nơi được coi là vùng đệm ngăn cách giữa quân đội hai nước và có lực lượng gìn giữ hòa bình của Qatar đóng quân từ năm 2010.

[Nhiều nước nỗ lực "tháo ngòi" căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh]

Ông Youssouf nhấn mạnh Djibouti ưu tiên các giải pháp ngoại giao nhưng nếu Eritrea tìm kiếm các giải pháp quân sự, Djibouti sẵn sàng đáp trả.

Theo các nhà phân tích khu vực, Djibouti là đồng minh chiến lược của các cường quốc thế giới như Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc. Hiện Mỹ, Pháp và Trung Quốc đang duy trì các cơ sở quân sự lớn tại quốc gia nhỏ bé nhưng chiến lược này.

Đặc biệt, cảng biển Djibouti có hệ thống đường ống dẫn dầu phục vụ xuất và nhập khẩu dầu khí của Ethiopia, quốc gia đối địch với Eritrea.

Trong khi đó, Eritrea được coi là một quốc gia nhỏ, nghèo và không có các liên minh đủ mạnh.

Sau khi xảy ra sự kiện căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng, thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), mới đây, Qatar đã tuyên bố rút quân đội của họ ra khỏi khu vực biên giới tranh chấp giữa Djibouti và Eritrea./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.