Theo khuyến nghị của các chuyên gia nông nghiệp và giới nghiên cứu, để xuất khẩu nông sản trong năm 2024 đạt giá trị cao hơn và thiết lập nhiều kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng chủ lực, ngành hàng nông sản Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn về chế biến sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng được chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp và tạo ra những sản phẩm nổi trội, đem lại giá trị cao hơn.
Đơn cử một số ngành hàng, mới đây, báo cáo từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 170 nghìn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023.
Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi do giá cả tăng vì sản lượng giảm và tồn kho hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 264.094 tấn, trị giá đạt 905 triệu USD, tăng 13,5% về khối lượng, nhưng giảm 8% về giá trị.
Điều này cho thấy ngoài vấn đề về giá cả thì việc gia tăng chế biến sâu để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng là vấn đề mà ngành hàng này cần tập trung thúc đẩy và đầu tư. Nhất là cần tăng cao hơn nữa tỷ lệ xuất khẩu hồ tiêu qua chế biến so với mức 30% như hiện nay.
Hơn nữa, dù giá tiêu được dự báo sẽ tăng lên trong năm nay, nhưng cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ một số cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho hay việc nông dân chuyển từ hồ tiêu sang sầu riêng là điều khó tránh khỏi, khi lợi nhuận từ sầu riêng hiện đang cao hơn rất nhiều so với hồ tiêu.
Thời gian qua, nhiều vườn tiêu đã bị nông dân chặt bỏ để thay thế bằng loại cây ăn trái này. Thực trạng này ngày càng thôi thúc ngành hồ tiêu phải đẩy mạnh chế biến sâu để vừa tăng giá trị xuất khẩu, vừa giúp nông dân yên tâm với cây hồ tiêu, không còn lo lắng "được mùa mất giá" hay tình trạng khó khăn về đầu ra.
Tương tự hồ tiêu, đại diện Hiệp hội Càphê, Cacao Việt Nam (VICOFA) cho biết, các nhà nhập khẩu trên thế giới cũng đang tìm về Việt Nam mua càphê. Năm 2023, các doanh nghiệp gần như đã "vét sạch" kho hàng để xuất khẩu. Hồi tháng 6/2023, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân đã không có càphê bán.
Hiện tồn kho của mặt hàng này cũng giảm mạnh. Kết hợp với một số yếu tố khác trên thị trường thì đây là lý do để giá càphê liên tục lập đỉnh mới trong năm 2024.
Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Phúc Sinh - đơn vị hàng đầu về xuất khẩu càphê và hồ tiêu vào những thị trường lớn, khó tính, cũng cho rằng, để ngành càphê và hồ tiêu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới thì rất cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến sâu.
“Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải quan tâm đến công nghệ, đến khả năng chế biến sâu hơn nữa. Bởi vì đó là điểm mấu chốt, lợi thế để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn,” ông Sinh chia sẻ.
Không chỉ nông sản, việc hướng đến chế biến sâu để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và ngành hàng cũng được nhìn nhận rõ ở lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, điển hình như mặt hàng tôm.
Bà Kim Thu, Chuyên gia thị trường tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho hay, trên chặng đường vượt khó trong năm 2024 ngành tôm Việt cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng cách lựa chọn giải pháp giúp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chế biến để nâng giá trị gia tăng cho mặt hàng.
Theo bà Thu, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40%-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp ngành tôm Việt cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là một lợi thế cạnh tranh lớn.
Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển và nhu cầu từ các thị trường ngày càng gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong tương lai gần.
Ngành chế biến cũng cần không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng; cũng như của thị trường để có những sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý.
Riêng đối với ngành hàng trái cây, rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết để đạt trình độ trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả ở khu vực Đông Nam Á và của thế giới thì Việt Nam cần cải tiến nhiều vấn đề; trong đó có khâu chế biến sâu. Bởi vì năng lực chế biến rau quả hiện nay của Việt Nam mới chỉ đạt 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác có thế mạnh về xuất khẩu rau quả thì tỷ lệ chế biến sâu đang chiếm đến 50%. Thêm vào đó, thực trạng là số lượng đơn vị tham gia chế biến tại Việt Nam có thể lên đến hàng nghìn doanh nghiệp, nhưng vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ.
Tính số lượng doanh nghiệp có đầu tư lớn cho khâu chế biến rau quả một cách bài bản thì hiện chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp và đang nằm ở mức trung bình khá trên thế giới. Do đó, nếu muốn tiến xa hơn, nâng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao hơn, đương nhiên tập trung đầu tư và có cơ chế ưu tiên, khích lệ lĩnh vực chế biến sâu là điều cần thiết.
Bình Phước: Nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong ngành chế biến điều
Để nâng cao chuỗi giá trị ngành điều, tỉnh Bình Phước đã và đang áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất và chế biến điều, nâng sản phẩm điều chế biến sâu lên hơn 30% để giữ vững vị thế xuất khẩu.
Có thể thấy rằng việc kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng cho ngành nông nghiệp đạt mục tiêu phấn đấu không chỉ riêng năm 2024 mà là cả giai đoạn dài tiếp theo.
Do đó, yêu cầu đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, gia tăng hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh; đầu tư nhiều hơn vào nhóm ngành chế biến sâu, lấy đó tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành... chính là điều cần tập trung thúc đẩy với kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm nay./.