Giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán

Với giá lợn tăng trong những ngày gần đây, các hộ chăn nuôi rất phấn khởi bởi năm nay giá lợn hầu như ở mức rất thấp, có thời điểm thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.
Giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán ảnh 1Thịt lợn bày bán ở chợ dân sinh tại Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Khoảng 10 ngày gần đây, giá lợn hơi trên thị trường cả nước đều có xu hướng tăng khá, từ 5.000-7.000 đồng/kg do nhu cầu thực phẩm gần Tết Nguyên đán tăng cao.

Theo nhận định của các chuyên gia chăn nuôi, nếu giá lợn hơi còn tăng cũng sẽ không nhiều, sẽ không có đột biến về giá bởi nguồn cung tốt.

Cụ thể, giá lợn hơi ở miền Bắc hiện đang dao động từ 56.000-58.000 đồng/kg, như Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định… khoảng 58.000 đồng/kg; tại Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình… là 57.000 đồng/kg; tại Lào Cai là 56.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, lợn hơi có giá từ 54.000-57.000 đồng/kg, như Nghệ An, Hà Tĩnh… là 57.000 đồng/kg; Quảng Nam 54.000 đồng/kg…

Tại miền Nam, giá lợn hơi từ 54.000-57.000 đồng/kg, như Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… là khoảng 54.000 đồng/kg, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai từ 56.000-57.000 đồng/kg…

Với giá lợn tăng trong những ngày gần đây, các hộ chăn nuôi rất phấn khởi bởi năm nay giá lợn hầu như ở mức rất thấp, có thời điểm thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.

Ông Trần Quốc Toản ở Khoái Châu, Hưng Yên cho biết, với giá lợn hiện nay thì những hộ chăn nuôi nông hộ mới bắt đầu có chút lợi nhuận.

Dịch COVID-19 vẫn khiến nhu cầu thực phẩm ở mức thấp do không có các lễ hội, cỗ bàn… lớn diễn ra. Thời gian trước, giá lợn ở mức thấp, khiến chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng khá nhiều. Giá lợn cần đạt trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có chút lợi nhuận.

[Hà Nội đảm bảo nguồn cung sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm]

Ông Nguyễn Văn Trọng, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giá lợn lên là tất yếu. Bởi việc giá lợn lên để hài hòa giữa các khâu sản xuất-phân phối-tiêu dùng.

Trong suốt giai đoạn vừa qua giá lợn hơi thấp. Giá lợn xuất chuồng nếu được vào khoảng 60.000 đồng/kg thì các nông hộ chăn nuôi phải đi mua con giống mới có hiệu quả.

Như thời gian vừa qua, giá lợn trên 50.000 đồng/kg thì chỉ chăn nuôi theo chuỗi có hiệu quả, còn chăn nuôi phải đi mua con giống sẽ không hiệu quả.

Bên cạnh đó, thường trước Tết khoảng nửa tháng, nhu cầu thực phẩm thịt lợn tăng cao để phục vụ cho chế biến. Với mức tăng đến thời điểm này có thể thấy là không nhiều.

Mặc dù mở cửa các hoạt động trở lại bình thường nhưng các nhà hàng, quán ăn, hiếu hỉ vẫn còn hạn chế nên mức tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn vẫn chưa trở lại bình thường.

Thường tháng Tết thì giá thịt lợn tăng khoảng 12-15% so với các tháng khác, nhu cầu vào khoảng 320.000-350.000 tấn. Nhưng năm nay sẽ không tăng đến mức trên. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu có tiếp tục biến động cũng không nhiều, ông Nguyễn Văn Trọng nhận định.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho biết, giá lợn ở một số nước lân cận Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Tuy giá lợn đang có xu hướng tăng nhưng so với năm 2020, giá lợn vẫn ở mức thấp.

Bởi bên cạnh mặt bằng giá thấp hơn thì năm 2021 giá thức ăn chăn nuôi còn cao hơn năm ngoái rất nhiều từ 16-36%.

Hiện, cả nước có khoảng 28 triệu con lợn; trong đó, đàn lợn thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đặc biệt 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì khoảng 6,5 triệu con lợn thịt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục