Giá thu mua lúa Đông Xuân 2022-2023 duy trì ổn định ở mức cao

Sau khi thu hoạch, nông dân bán lúa cho thương lái trên dưới 6.500 đồng/kg đối với lúa thường, từ 6.800-7.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, lúa ST24 từ 7.500-8.200 đồng/kg, ST25 từ 8.500-9.000 đồng/kg.
Giá thu mua lúa Đông Xuân 2022-2023 duy trì ổn định ở mức cao ảnh 1Lúa tươi được thương lái mua ngay tại ruộng. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Tại tỉnh Kiên Giang, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá lúa Đông Xuân 2022-2023 duy trì ổn định ở mức cao so với cùng kỳ vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 và tăng 500-1.000 đồng/kg so với vụ lúa Hè Thu 2022.

Sau khi thu hoạch, nông dân bán lúa tại ruộng cho thương lái trên dưới 6.500 đồng/kg đối với lúa thường và từ 6.800-7.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, lúa ST24 từ 7.500-8.200 đồng/kg, ST25 từ 8.500-9.000 đồng/kg.

Dự báo giá lúa Đông Xuân sẽ tiếp tục tăng khi xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới tăng mạnh, do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ thị trường Trung Đông, châu Âu, Trung Quốc, Philippines... Nhờ đó, đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng tăng lên.

[Nông dân Cần Thơ được mùa, trúng giá vụ lúa Đông Xuân 2022-2023]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, tỉnh gieo trồng hơn 281.000ha, vượt kế hoạch hơn 43ha.

Đến thời điểm này, trên 32.000ha đã thu hoạt, bằng 11,4% diện tích gieo trồng, năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha. Tỉnh kỳ vọng sản lượng vụ lúa Đông Xuân này đạt hơn 2 triệu tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết vụ lúa Đông Xuân xem như là vụ lúa chính trong năm nên nông dân tập trung đầu tư sản xuất vụ lúa này bài bản, đồng bộ từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, chọn giống gieo trồng đến quy trình canh tác, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc lúa trên đồng ruộng và thu hoạch.

Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân; trong đó, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sản xuất lúa chất lượng cao chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, lúa đạt chuẩn xuất khẩu...

Tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chú trọng khuyến nông, chuyển giao các quy trình canh tác lúa tiên tiến “3 giảm - 3 tăng,” “1 phải - 5 giảm,” phòng trị sâu bệnh cho lúa... để tạo ra sản phẩm lúa chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, nâng lên sức cạnh tranh trên thị trường.

Tại những vùng sản xuất lúa trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng, nhiều nông dân ứng dụng thiết bị tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất như máy cấy, máy sạ cụm, máy bay không người lái... và cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Qua đó, nông dân giảm lượng giống gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn.

Cụ thể là Chi cục thủy lợi Kiên Giang phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận hành đóng, mở các công tuyến đê biển Rạch Giá-Hòn Đất-Kiên Lương, An Biên-An Minh và tuyến đê bao Ô Môn-Xà No thuộc huyện Giồng Riềng, Gò Quao, các cống thủy lợi trên địa bàn thành phố Rạch Giá và các huyện Châu Thành, U Minh Thượng để chủ động nguồn nước cho sản xuất.

Tuy vậy, trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, nông dân tỉnh Kiên Giang gặp bất lợi về giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lúa giống, xăng dầu, thuê nhân công lao động, phương tiến máy móc... tăng cao dẫn đến chi phí lớn, giảm lợi nhuận.

Đối với vụ lúa Mùa 2022-2023, tỉnh gieo trồng khoảng 68.500ha, đạt 100% kế hoạch, tập trung ở các huyện Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.

Nông dân vừa thu hoạch xong vụ lúa này, năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha, sản lượng trên 363.000 tấn lúa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.