Giá trị thương mại giữa các nước châu Á-TBD lên cao nhất 3 thập kỷ

Thương mại trong khu vực đã gia tăng mạnh mẽ, cùng với việc giải phóng nhu cầu toàn cầu bị dồn nén và sự phục hồi kinh tế sớm ở Trung Quốc đã củng cố khả năng phục hồi kinh tế của toàn khu vực.
Giá trị thương mại giữa các nước châu Á-TBD lên cao nhất 3 thập kỷ ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 9/2 cho biết giá trị thương mại giữa các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương tăng lên mức cao nhất trong ba thập kỷ, củng cố khả năng phục hồi kinh tế của khu vực này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, mặc dù các lệnh hạn chế di chuyển và gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm cản trở thương mại toàn cầu.

Báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á 2022 của ADB cho biết, thương mại trong khu vực này đã gia tăng mạnh mẽ, cùng với việc giải phóng nhu cầu toàn cầu bị dồn nén và sự phục hồi kinh tế sớm ở Trung Quốc đã củng cố khả năng phục hồi kinh tế của toàn khu vực. Thương mại của châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 29,6% trong ba quý đầu năm 2021.

Ngoài ra, các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới được thực thi, có thể giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế, thương mại trong khu vực và mở đường cho sự phục hồi bền vững sau đại dịch, báo cáo của ADB cho biết.

[RCEP đem lại cơ hội làm sâu sắc mối quan hệ kinh doanh trong khu vực]

Albert Park, nhà kinh tế trưởng của ADB nhận định rằng tăng cường thương mại và liên kết chuỗi giá trị giữa các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương là một dấu hiệu đáng khích lệ cho sự phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19.

Ông nói: “Đại dịch đã gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề và làm đảo ngược nhiều thành quả khó giành được của khu vực này trong việc giảm nghèo," đồng thời nhấn mạnh sự phát triển cần thiết dựa trên các thành tựu hội nhập và hợp tác khu vực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững trở lại.

Báo cáo của ADB cũng cho biết thêm rằng hội nhập giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục sâu rộng trong các lĩnh vực công nghệ mới và kết nối kỹ thuật số, hợp tác môi trường, liên kết thương mại, đầu tư và tham gia chuỗi giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.