Giá trị vốn hóa thị trường của công ty sản xuất ôtô Ford Motor (Mỹ) lần đầu tiên đạt 100 tỷ USD khi giá cổ phiếu của Ford đạt mức cao nhất trong 52 tuần vào ngày 13/1.
Giá cổ phiếu của Ford trong phiên giao dịch 13/1 đã tăng 5,7% lên mức 25,87 USD/cổ phiếu.
Đây là mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây, giúp Ford lần đầu đạt mức vốn hóa thị trường 100 tỷ USD.
[Vượt Tesla, cổ phiếu Ford tăng trưởng mạnh nhất ngành ôtô năm 2021]
Tuy nhiên đến cuối phiên giao dịch, cổ phiếu Ford đứng ở mức 25,02 USD/cổ phiếu và đẩy giá trị vốn hóa của hãng xuống còn 99,99 tỷ USD.
Ford hiện có giá trị vốn hóa thị trường cao hơn so với đối thủ đồng hương General Motors (khoảng 90 tỷ USD) và công ty khởi nghiệp sản xuất ôtô điện (EV) Rivian Automotive (khoảng 72 tỷ USD).
Tuy vậy, con số trên của Ford còn cách khá xa so với Tesla - có giá trị vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỷ USD.
Mức tăng giá cổ phiếu trên của Ford được thúc đẩy nhờ kế hoạch tăng cường sản xuất ôtô điện, bao gồm cả mẫu ôtô đa dụng (crossover) Mustang Mach-E và phiên bản chạy điện sắp ra mắt của chiếc bán tải F-150 bán chạy nhất, sẽ ra mắt vào mùa Xuân năm 2022.
Những nỗ lực này là một phần kế hoạch thay đổi Ford của Giám đốc điều hành Jim Farley, người lên nắm quyền vào tháng 10/2020.
Chuyên gia phân tích Adam Jonas của ngân hàng Morgan Stanley nói: “Sự thu hút của thị trường chứng khoán đối với câu chuyện xe EV của Ford tiếp tục khiến chúng tôi ngạc nhiên."
Ông Farley cam kết Ford sẽ đầu tư hơn 200 tỷ USD vào xe EV, bao gồm cả việc phát triển pin, đến năm 2030.
Chiến lược ôtô EV thúc đẩy sự quan tâm của các công ty môi giới ở Phố Wall, trong đó ngân hàng Deutsche Bank là ngân hàng mới nhất nâng mục tiêu giá đối với Ford từ 18 USD/cổ phiếu lên 24 USD/cổ phiếu./.