Chiều nay (14/5), giá USD tại các ngân hàng liên tục thay đổi, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, Eximbank... thay bảng giá niêm yết 3-4 lần, hiện đang giao dịch trong khoảng từ 21.750-21.840 đồng/USD, tăng 60-90 đồng/USD.
Theo đó, giá USD lúc 5 giờ 10 chiều nay niêm yết tại Vietcombank 21.750-21.810 đồng/USD, tăng 70 đồng/USD so với sáng nay. Tương tự, ngân hàng BIDV niêm yết ở mức 21.745-21.805 đồng/USD, tăng 65 đồng/USD.
Ngân hàng VietinBank niêm yết ở mức 21.735-21.795 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 45 đồng/USD.
Với khối ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank tăng mạnh nhất ở mức 90 đồng ở cả hai chiều là 21.750-21.830 đồng/USD. Tại Techcombank cũng tăng tương tự như vậy, hiện ngân hàng này đang niêm yết ở mức 21.750-21.840 đồng/USD.
Như vậy, so với sáng nay, USD đã tăng 60-90 đồng/USD, mức tăng sốc trong ngày cao kỷ lục nhiều năm nay. Hôm nay là ngày thứ 4 USD liên tiếp leo thang. So với thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức nâng tỷ giá lên 1% (ngày 7/5) thì USD đã tăng thêm 100 -140 đồng/USD. Với mức giá được thiết lập hôm nay, đồng USD cũng chỉ còn cách trần mới 50 đồng/USD.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tăng tỷ giá thêm 1% sau khi đã tăng 1% vào hồi đầu năm. Câu chuyện thị trường băn khoăn là, liệu có nên tiếp tục cố định cam kết biên độ 2%?
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước giành lại quyền chủ động về điều hành tỷ giá hối đoái, không nhất thiết phải cứng nhắc trong biên độ 2% mà còn có những lựa chọn khác để bổ sung, phối hợp can thiệp. Không chỉ tăng tỷ giá khi có áp lực, mà còn nhiều công cụ khác như bán ngoại tệ, thậm chí cả các công cụ hành chính.
Ông Ánh cho biết thêm, hiện đã hết room 2% nhưng điều đó không có nghĩa từ nay đến cuối năm, tỷ giá chỉ thay đổi theo chiều hướng tăng mà có thể có cả hướng điều chỉnh giảm phụ thuộc vào những điều kiện của thị trường.
"Việc đưa ra cam kết đó nhằm ổn định thị trường và các năm trước đã thực hiện được, kể cả năm nay điều chỉnh hơn nữa không có nghĩa là cam kết thất bại mà đây là những diễn biến không lường trước được của thị trường trong và ngoài nước," ông Ánh nhận định.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường hối đoái tiếp tục biến động, chúng ta cần có thêm dư địa 1% để đối phó với những tình huống bất thường.
"Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không cần phải chính thức nới chỉ tiêu thêm 1%, mà nên sẵn sàng đối phó với những biến động trên thị trường với một biên độ dự phòng hợp lý," ông Hiếu nhận định./.