Giá vàng châu Á chạm mức cao nhất trong gần hai tuần qua

Giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 7/10 đã “leo” lên mức cao nhất gần hai tuần qua trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vừa đón nhận thêm các tín hiệu kém lạc quan.
Giá vàng châu Á chạm mức cao nhất trong gần hai tuần qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: huffingtonpost.com)

Giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 7/10 đã “leo” lên mức cao nhất gần hai tuần qua trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vừa đón nhận thêm các tín hiệu kém lạc quan, qua đó làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn nâng lãi suất trong năm nay.

Tính tới gần 2 giờ chiều ngày 7/10 (giờ Việt Nam), tại thị trường Singapore, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.151,60 USD mỗi ounce, sau khi có thời điểm “vọt” lên 1.152,90 USD mỗi ounce, mức cao nhất kể từ phiên 24/9.

Tuy nhiên, hoạt động giao dịch vàng tại châu Á trong vài phiên gần đây diễn ra kém sôi động, do nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc nghỉ lễ quốc khánh.

Trong khi đó, giá bạc cũng ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp, dao động gần mức cao nhất ba tháng rưỡi qua là 16,08 USD mỗi ounce.

Nguyên nhân chính hỗ trợ giá vàng trong phiên này là các số liệu tiêu cực mới từ kinh tế Mỹ.

Báo cáo ngày 6/10 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nền kinh tế số một thế giới trong tháng 8/2015 là 48,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước đó và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Đây là mức thâm hụt thương mại cao nhất của nước này trong vòng 5 tháng qua.

Báo cáo trên nêu rõ xuất khẩu của Mỹ trong tháng Tám giảm 2% so với tháng Bảy, xuống còn 185,1 tỷ USD – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012.

Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng Tám vừa qua lại tăng 1,2% so với tháng Bảy, lên 233,4 tỷ USD.

Thông tin đáng thất vọng trên cùng với số liệu ảm đạm về thị trường việc làm Mỹ tháng Chín, vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước, đã khiến đồng USD mất giá và càng làm dấy lên đồn đoán về khả năng kế hoạch nâng lãi suất của Fed có thể phải lùi sang năm 2016.

Đồng bạc xanh suy yếu giúp vàng hưởng lợi do làm kim loại quý này trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư mua bán bằng các loại tiền tệ khác.

Ngoài ra, kịch bản Fed trì hoãn nâng lãi suất cũng tạo cơ hội cho các tài sản vốn được coi là an toàn như vàng tăng giá, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và kinh tế Trung Quốc vẫn có xu hướng giảm tốc.

Cũng trong ngày 7/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ hai trong năm nay, do tác động của giá cả hàng hóa giảm và tình trạng bấp bênh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho hay dự trữ vàng của nước này tính tới cuối tháng Chín trị giá 61,2 tỷ USD, giảm so với mức 61,8 tỷ USD hồi cuối tháng Tám./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.