Giá vàng châu Á giảm khi nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed

Vào lúc 9 giờ 19 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á được giao dịch ở ngưỡng 1.910,29 USD/ounce, giảm 0,2% so với phiên giao dịch trước và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7/7.
Giá vàng châu Á giảm khi nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed ảnh 1Vàng miếng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Kota Bharu, bang Kelantan, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng châu Á sáng 14/8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn năm tuần, do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 7/2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được công bố trong tuần này, để có định hướng rõ nét hơn về hướng đi của lãi suất trong tương lai.

Vào lúc 9 giờ 19 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á được giao dịch ở ngưỡng 1.910,29 USD/ounce, giảm 0,2% so với phiên giao dịch trước và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7/7. Giá vàng kỳ hạn Mỹ cũng giảm 0,2%, còn 1.942,60 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, nâng giá trị của đồng USD lên mức cao nhất trong hơn một tháng. Vào tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố dữ liệu giá sản xuất tăng nhẹ hơn so với dự kiến, do chi phí dịch vụ tăng trở lại với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm.

Lãi suất cao và lợi suất trái phiếu tăng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một loại tài sản không phát sinh lãi suất và được định giá bằng đồng USD.

Trong tuần trước, giá vàng thế giới đã trải qua một tuần giao dịch tồi tệ nhất trong bảy tuần, “bốc hơi” 1,2% giá trị.

Số liệu công bố ngày 10/8 cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng vừa phải trong tháng 7/2023, với mức tăng lạm phát cơ bản hàng năm nhỏ nhất trong gần hai năm, làm dấy lên hy vọng rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

[Giá vàng SJC biến động không đồng nhất, tỷ giá trung tâm tăng mạnh]

Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm trong tháng 8/2023.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI )một thước đo lạm phát quan trọng của Mỹ và là cơ sở xem xét tăng lãi suất của Fed - sẽ công bố ngày 15/8 và biên bản cuộc họp tháng Bảy của Fed công bố ngày 16/8. Hiện tại, đa số thị trường đang trong trạng thái “chờ đợi.”

Các thị trường cũng đang theo dõi dữ liệu về doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, sẽ được công bố ngày 15/8.

Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust, ngày 11/8, cho biết lượng vàng mà quỹ này đang nắm giữ đã giảm 0,4% xuống còn 899,63 tấn.

Nhu cầu vàng của Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, đang tăng, được hỗ trợ bởi giá vàng đi xuống. Tương tự, lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương, đi đầu là Trung Quốc cũng có dấu hiệu tăng.

Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4%, xuống 22,57 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,5%, xuống còn 907,76 USD/ounce và giá palladium tăng 0,1% lên 1.294,73 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 14/8, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,80-67,40 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.