Phiên 11/5, giá vàng tại thị trường châu Á tăng trở lại từ mức thấp nhất ba tháng, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sụt giảm. Diễn biến này xảy ra giữa bối cảnh dữ liệu lạm phát hàng tháng đang được trông đợi của Mỹ có thể ảnh hưởng đến lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu vàng.
Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,6%, lên 1.849,245 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 11/2 vào phiên trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,2%, lên 1.846,40 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm phiên thứ ba liên tiếp, làm gia tăng nhu cầu vàng.
Đồng USD giảm giá, mặc dù vẫn ở mức cao, làm cho vàng - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Các nhà phân tích dự báo đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4/2022 sẽ chậm lại, giảm từ 1,2% xuống 0,2% và đạt mức tăng hàng năm là 8,1%.
Các quan chức Fed ngày 10/5 củng cố lập luận của họ về kế hoạch tăng lãi suất nhanh nhất kể từ ít nhất là những năm 1990 để chống lạm phát.
[Giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước vẫn vượt thế giới gần 19 triệu đồng]
Ilya Spivak, một chiến lược gia tiền tệ tại DailyFX, cho biết, vàng đang ở mức hỗ trợ quan trọng quanh mức 1.830 USD/ounce và nếu lạm phát thấp hơn dự kiến, giá vàng có thể tăng trở lại.
Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management, nói: “Vấn đề đối với các nhà đầu tư vàng và các hàng hóa khác được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát là Fed sẽ tăng lãi suất bằng mọi giá để dập tắt đà tăng lạm phát.”
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 1,6%, lên 21,59 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1,8%, lên 981,40 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tiến 0,8%, lên 2.082,46 USD/ounce.
Cuối ngày 11/5 tại Hà Nội giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 69,5 - 70,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.