Giá vàng "nhảy múa": Kịch bản đã được báo trước

Hoạt động tăng giá đột biến của thị trường vàng khiến các chuyên gia lo ngại về những hệ lụy tiêu cực từ thị trường vàng gây ra cho nền kinh tế.
Ngày 8/8 thị trường vàng trong nước nhảy múa liên hồi, ngay trong thời điểm đầu giờ sáng, giá vàng tăng vọt lên trên mốc 44 triệu đồng/lượng.

Hoạt động tăng giá đột biến của thị trường vàng trong buổi sáng ngày hôm nay, với mức giá trong nước đã có lúc vượt gần 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới đã khiến các chuyên gia thực sự lo ngại về những hệ lụy tiêu cực từ thị trường vàng gây ra cho nền kinh tế vốn đang yếu ớt.

Đầu cơ làm loạn thị trường


Quan sát diễn biến giao dịch, trong vài tiếng đầu giờ, biểu giá vàng tại các cửa hàng vàng thay đổi theo từng phút, đầu giờ sáng vẫn còn trên 42 triệu đồng/lượng thì đến hơn 9 giờ giá mua vàng bán ra đã trên 44 triệu đồng/lượng. Nhưng  khoảng 10 giờ, giá  vàng  có lúc lại quay về dưới 43 triệu đồng/lượng.

Nhiều người vừa ôm vài cây vàng với giá đỉnh, thì ngay sau đó lại thẫn thờ do bị "bốc hơi" tới gần hai triệu đồng/lượng. Chưa hết cơn hoàn hồn, đầu giờ chiều giá vàng lại rập rình quay lại ngưỡng 44 triệu đồng/lượng. Sự biến đổi "điên loạn" của giá vàng đang gây ra sự hoang trong dân chúng.

Trước đó giữa tháng Bảy, thị trường vàng thế giới bất ngờ cán mốc 1.600 USD/ounce kéo theo giá vàng trong nước tiến sát gần tới 40 triệu đồng/lượng. Song, tâm lý của người dân và doanh nghiệp Việt Nam vẫn khá ổn định và xu thế chung của thị trường là nghiêng về bán chốt lời. Đây chính là yếu tố tích cực, giảm thiểu hoạt động lũng đoạn giá cả của các tổ chức, cá nhân đầu cơ.

Một điểm đáng chú ý, tại thời điểm đó nhiều chuyên gia đã lên tiếng mạnh mẽ, mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, như việc đón trước những diễn biến của thị trường vàng thế giới và khẩn trương đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động đầu cơ và lợi dụng tâm lý xã hội tạo những cơn sốt 'ảo' giá vàng.

Song phải đến đầu tháng Tám, Bộ Tài chính mới có Thông tư sửa đổi quy định về thuế xuất khẩu một số mặt hàng vàng tại Biểu thuế xuất khẩu và có hiệu lực từ ngày 6-8-2011, thực chất đây là một biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu vàng.

Theo một vị giám đốc Công ty kinh doanh vàng bạc có tiếng tại Hà Nội, ngoài hoạt động xuất khẩu vàng ồ ạt của các doanh nghiệp kinh doanh vàng thì nhiều tổ chức tài chính lớn đã lợi dụng tình hình biến động giá cả vàng quốc tế, thực hiện tích lũy và găm giữ vàng từ hơn một tháng nay.

“Nguồn vàng này một phần đã được doanh nghiệp xuất khẩu kiếm lợi nhuận từ chênh lệnh giá, một phần khác kiên trì chờ đợi khi có cơ hội đột biến là lập tức họ thời điểm giá vàng trong nước đảo chiều tăng vọt so với giá thế giới để kiếm lời,” vị giám đốc trên nói.

Khẳng định thời điểm hiện tại hoạt động đầu cơ là có, ông Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/lượng là bởi vàng nhập khẩu về không đáp ứng kịp nguồn cung cho thị trường và cộng thêm hiện tượng khan hiếm “giả” do giới đầu cơ gây nên.

Hệ lụy khó lường

Câu chuyện diễn biến đảo ngược trên thị trường vàng đã xảy ra theo đúng kịch bản mà giới chuyên gia đã báo trước.

Ông Phong chỉ ra tác động tiêu cực đầu tiên đối với thị trường Việt Nam mà chúng ta nhận thấy dễ dàng là việc doanh nghiệp Việt Nam vừa xuất khẩu giá thấp song lại quay lại nhập khẩu giá cao, kế đó là nhu cầu thu ngoại tệ gia tăng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Sau khi người dân Việt Nam và doanh nghiệp chốt lời. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, tâm lý đám đông trở nên hoang mang, mọi người đua nhau quay lại mua vàng với giá cao hơn mức bán ra. Cơ hội cho giới đầu cơ kiếm chênh lệch giá ngay tại thị trường trong nước xuất hiện.

Không chỉ có vậy, ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Thăng Long đưa ra quan ngại, khi lợi nhuận nhìn thấy trước mắt quá hấp dẫn hoạt động nhập khẩu lậu vàng cũng sẽ gia tăng, tạo ra hiện tượng gom ngoại tệ ngoài “chợ đen”, mất trật tự trên thị trường ngoại tệ tự do vừa lắng xuống thì nay đứng trước nguy cơ phải đối mặt.

“Về vấn đề lạm phát, rõ ràng là vàng không tác động trực tiếp đến chỉ số CPI. Nhưng do văn hóa tích trữ vàng nên các doanh nghiệp và người bán hàng trong xã hội cứ nhìn thấy vàng lên là họ tăng giá bán hàng, do họ kỳ vọng vào lạm phát. Yếu tố tâm lý ở đây là rất lớn,” ông Thế Anh nói.

Đưa ra nhận định về xu thế giá vàng trên thế giới, theo các chuyên gia kinh tế đà tăng giá vàng lần này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi việc hãng S&P hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Mỹ và thêm vào đó diễn biến kinh tế thế giới cũng còn chứa đựng nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, ông Minh Phong nhận định, hệ quả của những lo ngại trên có yếu tố rất ngắn, nhiều khả năng sắp tới vàng sẽ xác lập đỉnh ngắn hạn. Vì thế, trong thời gian một vài ngày tới nếu giá vàng tăng vọt và đặc biệt là giá trong nước vẫn cao hơn thế giới thì sự vội vã mua vào sẽ chứa nhiều đựng rủi ro./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.