Giá vàng thế giới ghi nhận tuần đi xuống tuần thứ hai liên tiếp

Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong gần 3 tuần vào ngày 17/9, khiến giá vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác, và làm vàng giảm 1,2% trong tuần này.
Giá vàng thế giới ghi nhận tuần đi xuống tuần thứ hai liên tiếp ảnh 1(Nguồn: nikkei.com)

Mặc dù phục hồi vào phiên cuối tuần, song đà giảm mạnh trước đó khiến giá vàng thế giới ghi nhận tuần đi xuống thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng đi lên trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (13-14/9), khi giới đầu tư đang tập trung chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ, một thước đo đánh giá lạm phát của Fed.

Các chuyên gia cho rằng Fed quan tâm đến vấn đề việc làm và không quá lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng vàng khó tăng giá do đồng USD vẫn mạnh và điều này thu hút sự chú ý của giới đầu tư vào cuộc họp sắp tới của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày 21-22/9.

Bà Suki Cooper, nhà phân tích thị trường kim loại quý tại ngân hàng Standard Chartered (Vương quốc Anh) nhận định mặc dù một thông báo cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ sẽ khó xảy ra cho đến cuộc họp tháng 11/2021 của Fed, song cuộc họp tháng Chín nhiều khả năng sẽ đưa ra các dự báo của các quan chức Fed - còn gọi là “chỉ dấu hướng dẫn” cho năm 2024.

[Giá vàng trên thị trường thế giới giảm gần 3% trong phiên 16/9]

Nhiều khả năng trong năm 2024, Fed sẽ thực hiện hai lần tăng lãi suất tương tự như dự kiến của năm 2023.

Bên cạnh đó, số liệu lạm phát có thể củng cố quan điểm rằng Fed có thể chậm lại trong việc rút các biện pháp hỗ trợ kinh tế và giữ lãi suất ở mức thấp.

Lãi suất giảm sẽ hạ thấp chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi - loại tài sản/kênh đầu tư không có lãi suất. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.

Tuy nhiên, đà đi lên của vàng đã bị chặn lại trong phiên 15/9, trượt dưới mốc 1.800 USD/ounce, do hoạt động bán ra của giới đầu tư khi thị trường thận trọng chờ đợi quyết sách của Fed.

Xu hướng giảm kéo dài sáng ngày 16/9, do doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng Fed có thể đẩy nhanh tiến độ thu hẹp các biện pháp hỗ trợ.

Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, cho biết giá vàng đã bị ảnh hưởng khá lớn từ sự đi lên của đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ khi có các số liệu kinh tế lạc quan hơn.

Ông nhận định, các nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường vàng, tạo sức ép lên giá của kim loại quý này. Trừ khi có một số sự kiện địa chính trị hoặc một sự bất ngờ từ Fed, quỹ đạo của vàng khó có thể thay đổi khi cuộc họp của Fed đến gần.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 17/9, giá vàng phục hồi nhẹ sau khi mất gần 3% trong phiên trước đó, tuy nhiên, đà tăng của đồng USD đã khiến vàng khép lại tuần qua với mức giảm, khi trọng tâm vẫn nằm ở cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.765,73 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,6%, lên 1.766,30 USD/ounce.

Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong gần 3 tuần vào ngày 17/9, khiến giá vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác, và làm vàng giảm 1,2% trong tuần này.

Chuyên gia phân tích Rhona O’Connell của StoneX nhận định, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm kiếm những dự báo về nền kinh tế.

Việc thu hẹp các biện pháp hỗ trợ kinh tế không chỉ làm lu mờ vai trò của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, vốn đã “tỏa sáng” trong thời kỳ đại dịch, mà việc nâng lãi suất sau đó dẫn đến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ các tài sản không đem lại lãi suất như vàng tăng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.