Giá vàng thế giới giảm nhẹ, giá dầu phục hồi sau đợt lao dốc

Giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.784,80 USD/ounce trong khi giá dầu Brent giao kỳ hạn đứng ở mức 73,44 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 69,95 USD/thùng.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ, giá dầu phục hồi sau đợt lao dốc ảnh 1Vàng được bày bán tại một cửa hàng vàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh:Yonhap/TTXVN)

Giá vàng thế giới giảm trong phiên đầu tuần 29/11, khi đồng USD mạnh lên và tâm lý ưa thích rủi ro phục hồi với các thị trường cân nhắc các tác động kinh tế từ biến thể Omicron của virus gây dịch COVID-19.

Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.784,80 USD/ounce vào lúc 1 giờ 41 phút (sáng 30/11 theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng lùi 0,2% xuống 1.782,30 USD/ounce.

Sự bình tĩnh đã trở lại thị trường thế giới sau đợt bán tháo hồi thứ Sáu (26/11) - thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên và thông báo về biến thể mới Omicron “đáng lo ngại," khiến một số quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới.

Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính RJO Futures (Mỹ), đánh giá tâm lý thích các tài sản rủi ro của nhà đầu tư đã quay trở lại, dựa trên thực tế rằng các thị trường chứng khoán đã hồi phục trong khi giá vàng đi xuống vào phiên này.

Một yếu tố khác cũng tạo ra những “sóng gió” cho vàng trong phiên 29/11 là việc đồng USD tăng giá, khiến vàng đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ các đồng ngoại tệ khác.

Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank (Đan Mạch) cũng nhận định cho đến khi có thêm tin tức về biến thể Omicron và tác động tiềm tàng của nó, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch trong tình trạng nhiều bấp bênh. Điều đó sẽ không chỉ tác động đến một số thị trường phụ thuộc vào nhu cầu như năng lượng, kim loại và thị trường chứng khoán, mà còn cả vàng.

Triển vọng về lãi suất cao hơn - vốn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng, đã đè nặng lên kim loại quý này trong thời gian gần đây. Các thị trường đang theo dõi chặt chẽ mốc thời gian Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt các chính sách kích thích kinh tế mà ngân hàng trung ương này đã triển khai trong thời kỳ đại dịch.

[Giá vàng thế giới giảm tới 3,6% sau một tuần giao dịch nhiều biến động]

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 1,3% xuống 22,84 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,2% lên 965 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 30/11, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 59,95-60,67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu thế giới phục hồi sau đợt lao dốc tuần qua

Giá dầu thế giới phục hồi trong phiên 29/11, khi các nhà đầu tư cho rằng sự lao dốc của thị trường vào thứ Sáu tuần trước là quá mức khi vẫn không có đủ dữ liệu về biến thể Omicron mới của virus gây dịch COVID-19.

Đầu phiên này, giá dầu Brent đã có lúc vượt ngưỡng 77 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chạm mức cao trên 72 USD/ounce trong phiên. Tuy nhiên, giá cả hai loại dầu chuẩn nói trên đều rời khỏi các mốc cao này vào cuối phiên.

Khép phiên 29/11, giá dầu Brent giao kỳ hạn đứng ở mức 73,44 USD/thùng, tăng 72 xu Mỹ (hay 1%). Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,80 USD (tương đương 2,6%) lên chốt phiên ở mức 69,95 USD/thùng.

Giá vàng thế giới giảm nhẹ, giá dầu phục hồi sau đợt lao dốc ảnh 2Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đợt trượt giá hôm thứ Sáu là đợt giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 4/2020, phản ánh lo ngại rằng các lệnh cấm đi lại liên quan đến đại dịch sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do lượng thanh khoản trên thị trường thấp sau kỳ nghỉ lễ của thị trường Mỹ.

Nếu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chứng minh khả năng kháng vaccine hoặc dễ lây lan hơn các biến thể khác, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, thương mại và nhu cầu xăng dầu trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có thể phải mất nhiều tuần để hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể này, mặc dù một bác sỹ Nam Phi từng điều trị các ca bệnh cho biết các triệu chứng cho đến nay dường như còn nhẹ.

Trong khi đó, Omicron đã tạo ra một thách thức mới cho Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC +). Theo dự kiến ban đầu, tổ chức này sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận về việc có nên tiến hành tăng sản lượng theo lịch trình vào tháng 1/2022 hay không. Nhưng OPEC+ đã phải hoãn các cuộc họp kỹ thuật trong tuần này để có thời gian đánh giá tác động của Omicron.

Dù vậy, các quan chức hàng đầu của OPEC+ đã lặp lại quan điểm rằng họ chưa lo lắng về biến thể Omicron. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman al-Saud cho biết ông không lo lắng về Omicron. Chính phủ Nga cũng cho biết không cần phải hành động khẩn cấp trên thị trường năng lượng.

Tổng thống Joe Biden cũng kêu gọi người dân Mỹ không nên quá lo lắng về biến thể Omicron mới. Đồng thời, ông cho biết Chính phủ Mỹ đang làm việc với các công ty dược phẩm để đưa ra các phương án dự phòng nếu cần có vaccine mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.