Sự leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và động thái nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là hai yếu tố chính chi phối giá vàng thế giới trong tuần giao dịch vừa qua. Tính chung cả tuần, giá kim loại quý này tăng gần 2%.
Trong hai phiên đầu tuần, trước khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài trong hai ngày, vàng thế giới vẫn vững đà tăng giá trước kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chờ đợi để tìm kiếm thêm manh mối về lộ trình nới lỏng tiền tệ trong tương lai của ngân hàng trung ương Mỹ. Triển vọng này sẽ khiến đồng USD yếu đi và qua đó tiếp thêm lực đẩy cho giá vàng.
Trước đó, đồng USD đã giao dịch gần mức đỉnh của hai tháng so với rổ tiền tệ chủ chốt. Ngoài ra, các nhà giao dịch và đầu tư trên thị trường cũng theo dõi sát sao cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong tuần tại Thượng Hải.
Chuyên gia phân tích Helen Lau của công ty Argonaut Securities cho rằng nếu các cuộc đàm phán tiếp tục “dậm chân tại chỗ," nó sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và khiến ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới nới lỏng tiền tệ, không chỉ Mỹ. Và diễn biến này sẽ hỗ trợ giá vàng.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch 31/7, giá vàng thế giới đi xuống, trước sự mạnh lên của đồng USD và quyết định hạ lãi suất nhẹ hơn kỳ vọng của Fed.
Sau cuộc họp kéo dài trong hai ngày 30-31/7 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo đó, Fed quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 2,25-2,5% xuống 2-2,25%.
[Giá vàng giảm gần 1% sau thông báo áp thuế của Tổng thống Mỹ Trump]
Theo các chuyên gia, sự tăng giá của đồng bạc xanh trong phiên này đã gây sức ép đối với giá vàng. Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền khác, đã tăng 0,21% lên 98,26. Đáng chú ý, trong phiên, đồng USD cũng leo lên mức cao nhất trong hai năm so với đồng euro.
Vàng thường biến động ngược chiều với đồng USD khi đà tăng của đồng tiền này khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Sang phiên ngày 1/8, giá vàng thế giới đã lấy lại đà tăng với mức tăng gần 2% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này đã làm nóng thêm tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nước đồng thời kéo đồng USD rời khỏi mức “đỉnh” của hai năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/8 tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9, trong bối cảnh hai bên vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm giải toả căng thẳng thuế quan.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, vàng thế giới vững giá khi đồng USD suy giảm trước số liệu việc làm kém khả quan của Mỹ. Vào lúc 0 giờ 41 phút ngày 3/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở ức 1.444,86 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 1,8% và khép phiên ở mức 1.457,50 USD/ounce.
Chuyên gia Edward Meir của công ty INTL FCStone cho rằng vàng đang được hỗ trợ bởi xu hướng hạ lãi suất của ngân hàng trung ương nhiều nước trước tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục suy yếu.
Bên cạnh đó, số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại trong tháng Bảy, cùng với sự leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, có thể tiếp thêm động lực để Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí của việc nắm giữ vàng và gây áp lực lên đồng USD, từ đó thúc đẩy giá kim loại này đi lên./.