Giá vàng thế giới tăng trở lại ngưỡng 2.000 USD/ounce phiên 11/4

Nhà phân tích của DailyFX cho biết nếu CPI tăng cao hơn và hỗ trợ việc thắt chặt chính sách tiền tệ thì lợi suất thực tế có thể tăng cao hơn, do đó làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng.
Giá vàng thế giới tăng trở lại ngưỡng 2.000 USD/ounce phiên 11/4 ảnh 1Vàng được dự trữ tại ngân hàng ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới tăng trở lại trên mốc quan trọng 2.000 USD/ounce trong phiên 11/4 khi đồng USD rời khỏi mức đỉnh của phiên trước đó, trong khi các nhà giao dịch chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến công bố ngày 12/4, để có thêm manh mối về chính sách lãi suất trong tương lai.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 12/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.005,79 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,8% lên 2.019 USD/ounce.

Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty tài chính TD Securities, nhận xét ở giai đoạn này, thị trường không đặc biệt quan tâm đến việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5/2023 nữa hay không, mà thị trường đang xem xét xu hướng và dấu hiệu lãi suất thấp hơn khi chuẩn bị bước vào nửa cuối năm 2023.

Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho biết triển vọng ngân hàng này chỉ tăng lãi suất cơ bản một lần nữa thêm 0,25 điểm phần trăm là một điểm khởi đầu tốt, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cho biết ngân hàng trung ương nên thận trọng về việc tăng lãi suất ở Mỹ khi đối mặt với căng thẳng ngành ngân hàng gần đây.

Vàng đã giảm gần 1% trong phiên ngày 10/4 sau khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ hôm 7/4 khiến khả năng lãi suất tăng thêm vào tháng 5/2023 tăng lên khoảng 70%.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI), công bố ngày 12/4, có thể cung cấp dấu hiệu về việc Fed sẽ tiếp tục chiến dịch chống lạm phát trong bao lâu.

Nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX cho biết nếu CPI tăng cao hơn và hỗ trợ việc thắt chặt chính sách tiền tệ sau báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, thì lợi suất thực tế có thể tăng cao hơn, do đó làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng.

[Giảm theo thế giới, giá vàng SJC lùi về mốc 67 triệu đồng mỗi lượng]

Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết các ngân hàng trung ương không nên ngừng cuộc chiến chống lạm phát vì rủi ro ổn định tài chính.

IMF ngày 11/4 đưa ra dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một vừa qua.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới được công bố, IMF nhận định: "Ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước năm 2022."

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,8% lên 25,08 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,6% lên 997,20 USD/ounce, còn giá palladium tăng 3% lên 1.454,17 USD/ounce.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch chiều 11/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,40-67,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.