Giá vàng thế giới tuần qua tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay

Những dự báo về một giai đoạn lạm phát cao hơn giúp làm gia tăng sự hấp dẫn cho vàng và gây sức ép lên đồng USD. Kim loại quý này thường được coi là một công cụ hữu hiệu để chống lạm phát.
Giá vàng thế giới tuần qua tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay ảnh 1Vàng miếng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần giao dịch vừa qua, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng theo tuần mạnh nhất từ đầu năm đến nay, với các yếu tố chi phối chính vẫn là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và giá đồng USD.

Ngay phiên đầu tuần 12/4, giá vàng đi xuống khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao.

Phiên này, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao nhờ đợt đấu giá loại trái phiếu kỳ hạn ba năm diễn ra tốt đẹp.

Giá kim loại quý này tăng gần 1% lên 1.747,6 USD/ounce trong phiên 13/4, hưởng lợi từ số liệu cho thấy giá tiêu dùng trong tháng Ba ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 8 năm rưỡi.

[Bật tăng theo thế giới, vàng trong nước lên 55,50 triệu đồng/lượng]

Những dự báo về một giai đoạn lạm phát cao hơn giúp làm gia tăng sự hấp dẫn cho vàng và gây sức ép lên đồng USD. Kim loại quý này thường được coi là một công cụ hữu hiệu để chống lạm phát.

Sau phiên tăng giá mạnh, phiên 14/4 giá vàng có sự điều chỉnh kỹ thuật, với mức giá 1.750 USD/ounce là ngưỡng kháng cự trong ngắn hạn.

Đến phiên giao dịch 15/4, giá vàng giao ngay có thời điểm đạt đỉnh của hơn một tháng, còn giá vàng kỳ hạn tiến hơn 1,8% khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm bất chấp các số liệu kinh tế tốt hơn dự kiến.

Đà tăng của kim loại quý này kéo dài sang phiên cuối tuần 16/4. Cụ thể, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn giao dịch COMEX của thị trường New York (Mỹ) tăng 13,4 USD, hay 0,8%, và đóng cửa phiên ở mức 1.780 USD/ounce.

Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 2% - mức tăng mạnh nhất theo tuần kể từ 18/12/2020.

Nhà phân tích Suki Cooper tại Standard Chartered nhận định trong quý 2/2021, môi trường vĩ mô vẫn có những “sóng gió” đối với vàng khi đồng USD tạm thời mạnh lên.

Tuy nhiên, sau đó, đồng bạc xanh sẽ trở lại xu hướng suy yếu, lợi suất thực âm và kỳ vọng lạm phát tăng sẽ là những nhân tố làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với nhà đầu tư.

Diễn biến đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vàng như một nơi “trú ẩn an toàn” để đề phòng khả năng lạm phát leo thang trong thời gian tới.

Ông Jeffrey Sica, người sáng lập tổ chức tư vấn Circle Squared Alternative Investments, cho biết khả năng lạm phát leo thang phi mã gần như chắc chắn sẽ thành hiện thực. Khi đó, vàng sẽ là tài sản tốt nhất để sở hữu khi thị trường bắt đầu nhận được mức lạm phát có thể cao lịch sử.

Theo Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại FXTM, vàng tiếp tục hưởng lợi nhờ lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm, đồng bạc xanh yếu đi và tình trạng lây nhiễm COVID-19 ngày càng tồi tệ hơn ở châu Âu.

Chuyên gia này nhận định nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục đi xuống và đồng USD vẫn yếu đi trong tuần tới, giá vàng có thể tăng lên ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Mặc dù vậy, nhà phân tích Otunuga lưu ý các số liệu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng rất đáng khích lệ và có thể thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu.

Thời điểm này cũng là lúc bắt đầu mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp, do đó các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán sẽ hấp dẫn hơn và có thể khiến một số nhà đầu tư rời bỏ vàng trong ngắn hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.