Chốt ngày giao dịch 6/8, giá vàng thế giới tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong bối cảnh ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Tính đến sáng 7/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.055,87 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên mức cao kỷ lục 2.069,21 USD/ounce. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 1% lên 2.069,40 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng hơn 35% kể từ đầu năm tới nay khi kim loại quý này được coi là tài sản "an toàn” trong thời kỳ bất ổn và chương trình bơm tiền của các ngân hàng trung ương làm xói mòn giá trị của các tài sản khác.
[Giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh, giao dịch quanh mức 62,2 triệu đồng]
Các nhà phân tích nhận định triển vọng giao dịch vàng vẫn tươi sáng và giá kim loại quý này có khả năng tiếp tục tăng.
Nhà phân tích Julius Baer, thuộc hãng Carsten Menke, nhận định đây là thời điểm huy hoàng nhất của vàng khi cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng, giúp chỉ số công nghệ Nasdaq Composite xác lập kỷ lục phiên thứ 3 liên tiếp, nhờ kỳ vọng của thị trường vào khả năng các nhà lập pháp Mỹ cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận về một gói kích thích cần thiết cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1%, lên 11.108,07 điểm, mức tăng kỷ lục đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này vượt ngưỡng 11.000 điểm.
Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7%, lên 27.386,98 điểm, và chỉ số S&P 500 cũng nhích thêm 0,6%, lên 3.349,16 điểm.
Hiện thị trường đang chờ đợi báo cáo việc làm được đưa ra trong ngày 7/8 (theo giờ Mỹ) để có cái nhìn toàn diện nhất về mức độ ảnh hưởng đối với việc làm khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.
Số liệu thống kê cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm trong tuần trước, song thông tin mới đây rằng có tới 31,3 triệu người nhận trợ cấp thất nghiệp đã phủ "mây đen" lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán ở Washington về kế hoạch chi tiêu khẩn cấp mới và mở rộng chương trình chi trả trợ cấp thất nghiệp tiếp tục kéo dài khi các lãnh đạo đảng Dân chủ và nhóm kinh tế của Tổng thống Donald Trump vẫn còn bất đồng.
Tuy nhiên, chuyên gia Chris Low thuộc FHN Financial nhận định bất chấp tình trạng bế tắc, các nhà đầu tư tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ giải quyết được những bất đồng trên.
Trái ngược với thị trường chứng khoán và xu hướng giá vàng, giá dầu thế giới đang rời khỏi các mức cao nhất trong 5 tháng qua trong ngày 6/8, giữa lúc giới giao dịch ngày càng quan ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường.
Chốt ngày giao dịch 6/8, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 8 xu xuống 45,09 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 24 xu xuống 41,95 USD/thùng sau chuỗi tăng 4phiên liên tiếp.
Giá dầu giảm bất chấp thông tin về việc Iraq sẽ cắt giảm sản lượng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 8/2020 để bù lại số sản lượng mà nước này đã sản xuất quá mức trong giai đoạn trước, theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+.
Điều này cho thấy đại dịch COVID-19 và tác động của nó đối với nhu cầu năng lượng vẫn là yếu tố chủ chốt chi phối giá dầu.
Chuyên gia phân tích Eugen Weinberg tại Commerzbank nhận định trong ngắn hạn, nhu cầu yếu có nhiều khả năng gây tác động lớn hơn so với các yếu tố tâm lý.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, nhận xét thị trường vẫn lo ngại rằng đà suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.
Theo chuyên gia này, thị trường dầu lửa cũng đang chờ đợi gói kích thích mới ở Mỹ vốn được kỳ vọng giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
JPMorgan mới đây đã hạ dự báo nhu cầu dầu trong nửa cuối năm 2020 thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày, song nâng mức dự báo giá dầu Brent trung bình cho cả năm nay từ 40 USD/thùng lên 42 USD/thùng./.