Giá vàng trên thị trường thế giới tăng tuần thứ năm trong 6 tuần qua

Tính chung cả tuần qua, giá vàng thế giới tăng 1,1%, sau khi giảm 1,7% trong tuần kết thúc vào ngày 7/1. Trước đó, giá vàng đã ghi nhận bốn tuần tăng giá liên tiếp.
Giá vàng trên thị trường thế giới tăng tuần thứ năm trong 6 tuần qua ảnh 1(Nguồn: BBC)

Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch 14/1, khi nhiều nhà đầu tư bán ra chốt lời trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài ba ngày tại Mỹ. Nhưng giá vàng vẫn ghi nhận tuần tăng giá thứ năm trong sáu tuần qua.

Khép lại phiên này, giá vàng giao tháng Hai giảm 4,9 USD, hay 0,3%, xuống 1.816,50 USD/ounce. Thị trường hàng hóa Mỹ sẽ nghỉ giao dịch trong ngày 17/1 nhân ngày lễ Martin Luther King.

Trước đó trong phiên này, giá vàng đang trên đà tăng do đồng USD suy yếu. Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được hỗ trợ từ số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm 1.9% trong tháng 12/2021, và một chỉ số về niềm tin tiêu dùng của nước này cũng giảm từ 70,6 điểm tháng 12/2021 xuống 68,8 điểm trong tháng Một. Sản lượng công nghiệp của Mỹ cũng giảm 0,1% trong tháng 12.

Tuy nhiên, sau đó, giá vàng lại chịu áp lực từ hoạt động chốt lời trước những thông tin nói trên và trước kỳ nghỉ lễ kéo dài ba ngày vào cuối tuần.

Tính chung cả tuần qua, giá vàng thế giới tăng 1,1%, sau khi giảm 1,7% trong tuần kết thúc vào ngày 7/1. Trước đó, giá vàng đã ghi nhận bốn tuần tăng giá liên tiếp.

[Giá vàng thế giới giảm phiên 13/1 trước khả năng Fed nâng lãi suất]

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng thế giới đi xuống dưới sức ép từ đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hai năm, giữa lúc giới đầu tư đang tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ, nhân tố có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất.

Hai phiên liên tiếp sau đó, giá vàng đảo chiều đi lên dưới tác động từ tình hình lạm phát cao. Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất trong vòng 40 năm.

Tuy nhiên, sang phiên giao dịch 13/1, giá vàng thế giới lại giảm xuống, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng với khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng Ba.

Những đồn đoán về một đợt tăng lãi suất của Fed đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng, từ đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.

Số liệu lạm phát nói trên cho thấy lạm phát cao của Mỹ có khả năng kéo dài đến năm 2022 và cao hơn mục tiêu hàng năm 2% của Fed. Các nhà phân tích thị trường cho rằng Fed có khả năng tăng cường thúc đẩy chương trình giảm bớt mua tài sản và thắt chặt định lượng.

Trong phiên điều trần nhằm chuẩn bị cho việc phê chuẩn nhiệm kỳ bốn năm thứ hai của ông Jerome Powell trên cương vị Chủ tịch Fed tại Quốc hội, ông Powell thẳng thắn thừa nhận tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 và Fed sẽ hành động nếu cần để kiểm soát đà tăng của giá cả và sẽ phải tăng lãi suất nếu lạm phát cao trong thời gian dài.

Ông Powell cũng khẳng định Fed có thể hạ nhiệt lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát cao, nhưng lãi suất của Mỹ tăng khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lợi trở nên cao hơn, trong khi đồng USD mạnh hơn khiến kim loại quý trở nên đắt đỏ đối với người mua giữ các loại tiền tệ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.