Giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận thu hẹp khoảng cách mua bán

Giới phân tích nhận định thị trường vàng trong nước sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định hơn, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ thì chênh lệch giữa mua và bán cũng sẽ giảm bớt.

Vàng miếng SJC. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Vàng miếng SJC. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận thu hẹp khoảng cách mua-bán khi chênh lệch mua-bán khoảng 2,5-3 triệu đồng, giảm nhiều so với mức đỉnh 5-6 triệu đồng cuối tuần trước.

Giới phân tích nhận định, thị trường vàng sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định hơn, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ thì chênh lệch cũng sẽ giảm bớt.

Về mặt cơ chế chính sách, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền cho Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ ký Quyết định thành lập Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước để giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra công tác giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC của Tổ giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết: ngay trong tháng 1/2024 sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP; trong đó, có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.

Đối với quy định về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng cần rà soát và đánh giá lại. Về doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.

"Tới đây, thị trường vàng sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định hơn, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ thì chênh lệch cũng sẽ giảm bớt," vị chuyên gia này kỳ vọng.

Đóng cửa phiên cuối tuần này, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 72-75,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giữ nguyên so với phiên trước đó.

Cùng thời điểm, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 72-75 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), không đổi so với phiên trước đó.

Giới phân tích nhận định, việc thu hẹp khoảng cách mua-bán vàng miếng, đặc biệt vàng SJC giúp mặt hàng này về gần với giá trị hợp lý. "Diễn biến của giá vàng miếng cần tuân theo các biến động kinh tế trong nước theo các cơ sở tính toán theo diễn biến hợp lý của tỷ giá USD/VND và biến động của giá vàng thế giới,” chuyên gia Trương Vi Tuấn của trang giavang.net chia sẻ.

Đại diện trang giavang.net cho rằng, tại thời điểm này, người mua cần theo dõi chặt chẽ tỷ giá VND/USD để dự đoán xu hướng giá vàng trong nước. Tỷ giá có thể chịu tác động từ diễn biến bán ròng chứng khoán của khối ngoại trên hai sàn HOSE và HNX.

Ngoài ra, tỷ giá sẽ chịu tác động từ sự quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước và luồng kiều hối đổ về Việt Nam vào đầu năm 2024 tới. Nếu tỷ giá giảm, giá vàng trong nước sẽ hạ nhiệt.

Đối với yếu tố thế giới, người mua cần theo dõi chặt chẽ động thái điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2024. Theo dự báo của các quan chức Fed, lãi suất có thể giảm 0,75 điểm phần trăm trong năm 2024, về khoảng 4,5-4,75% trước cuối năm 2024 và đảm bảo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ ở mức khoảng 2,4% vào cuối năm sau, đủ để hướng đến mức mục tiêu 2%. Nếu các yếu tố trên thay đổi, giá vàng cũng sẽ điều chỉnh giảm.

Trước đó, theo Dow Jones Market Data, giá vàng thế giới tuần qua giảm gần 1,1% sau 3 tuần tăng liên tiếp. Một phần nguyên nhân do áp lực từ sự mạnh lên của đồng USD và sự không chắc chắn về thời điểm cắt giảm lãi suất tiềm năng được thể hiện trong biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Dù Fed dự đoán lãi suất có thể sẽ giảm xuống trong năm nay, nhưng báo cáo việc làm được công bố ngày 5/1 đã củng cố khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ, cũng như lập trường duy trì lãi suất ở mức cao trong tời gian lâu hơn.

Ông Jerry Braakman, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của Công ty First American Trust nhận định, điều này không có lợi cho giá vàng, vì kim loại quý này thường phản ứng tích cực với lãi suất giảm, đồng USD suy yếu và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Tuy nhiên, ông cho rằng không nên quá chú trọng vào báo cáo việc làm của một tháng. Chuyên gia này vẫn dự doán kinh tế Mỹ sẽ suy yếu trong năm nay, khiến Fed hạ lãi suất, từ đó hỗ trợ giá vàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.