Thị trường vàng trong nước tiếp tục bám sát những bước đi của giá vàng thế giới và biến động nhẹ trong tuần qua.
Những phiên đầu tuần, giá vàng trong nước tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp. Kim loại quý chủ yếu giao dịch dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới trong những phiên này cũng chủ yếu tăng, giảm nhẹ hoặc đi ngang.
Chỉ đến phiên 25/10, kim loại quý trong nước mới bứt phá và tiến sát mốc 42 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá vàng thế giới tăng lên mức "đỉnh" trong gần 2 tuần trong phiên 24/10 khi các chỉ số kinh tế kém sáng của Mỹ làm dấy lên đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất.
[Giá vàng thị trường châu Á lên mức cao nhất trong 2 tuần]
Sáng nay (27/10), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,67-41,95 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC cũng được niêm yết cho thị trường Hà Nội ở mức 41,77-41,97 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới tăng khoảng 1%. Còn thương hiệu vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng khoảng 200.000-300.000 đồng/lượng.
Tuần giao dịch vừa qua, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiến trình đàm phán Brexit và diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung là những nhân tố chi phối thị trường vàng thế giới.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 25/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định trì hoãn thời điểm Anh rời khỏi "mái nhà chung" châu Âu - Brexit - là việc của liên minh này, song nước Anh vẫn nên rời đi đúng thời hạn 31/10 tới.
Hiện nay, các nhà đầu tư cũng đang chờ cuộc họp vào cuối tháng của Fed, với đồn đoán cơ quan này sẽ giảm lãi suất cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.
Giá vàng đã tăng khoảng 16% kể từ đầu năm 2019 đến nay và một trong những yếu tố chính hỗ trợ kim loại quý này là hy vọng về việc Fed sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa.
Edward Moya, một nhà phân tích thị trường của OANDA, nhận định nhu cầu mua vàng sẽ được hỗ trợ khi Fed tiếp tục hạ lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì chương trình hỗ trợ kinh tế./.