Giá vàng tuần tới: Triển vọng vẫn khá “tươi sáng” trong trung hạn

Các động lực chính thúc đẩy cho giá vàng gồm lãi suất ở mức 0%, các kế hoạch chi tiêu lớn và mối quan tâm sâu sắc về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai vẫn còn khá mạnh mẽ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Thị trường vàng trong nước và thế giới tuần qua biến động nhẹ với những tăng giảm đan xen. Các chuyên gia vẫn nhìn nhận khá lạc quan về giá kim loại quý này trong trung hạn.

Giá vàng trong nước giữ vững mốc trên 48 triệu đồng/lượng

Trong phiên đầu tuần, giá vàng thế giới tăng 0,73% do số liệu ảm đạm của kinh tế Mỹ. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày cho thấy, lượng đơn hàng của các nhà máy giảm 10,3% do các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Lượng đơn hàng đặt mua hàng hóa không bền cũng giảm 5,8%. Giá vàng trong nước phiên này biến động nhẹ và vẫn giữ vững mốc trên 48 triệu đồng/lượng.

Phiên tiếp theo đó, giá vàng trong nước giảm mạnh khi giá vàng châu Á đi xuống nhờ động thái nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia đã phần nào làm lu mờ những lo ngại về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, cũng như làm giảm nhu cầu của giới đầu tư vào kim loại quý.

[Vàng SJC đảo chiều tăng 350.000 đồng mỗi lượng phiên cuối tuần]

Sang phiên 6/5, giá vàng trong nước đảo chiều tăng nhẹ trong bối cảnh giá vàng ổn định trên mức 1.700 USD/ounce trong phiên giao dịch đêm 5/5, khi các biện pháp kích thích quy mô lớn trên toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch COVID-19 đang hỗ trợ cho giá vàng.

Áp lực gia tăng từ đồng USD mạnh hơn, cùng kỳ vọng rằng nguồn cung vàng sẽ tăng lên khi các nhà máy tinh chế vàng nối lại hoạt động đã khiên giá vàng thế giới giảm hơn 1% trong phiên giao dịch đêm 6/5. Giá vàng trong nước theo đó cũng giảm tới 250.000 đồng/lượng trong phiên sáng 7/5.

Tuy nhiên, sang phiên 8/5, kim loại quý trong nước lấy lại đà tăng khi giá vàng thế giới tăng hơn 2% trong đêm 7/5 giữa lúc một loạt số liệu kinh tế yếu kém, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở Mỹ, đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phiên cuối tuần, giá vàng thế giới rời mức cao nhất của hai tuần khi các nhà đầu tư ngày càng hy vọng về việc các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội để hạn chế lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giá vàng trong nước theo đó cũng được điều chỉnh giảm nhưng vẫn giữ vững mốc trên 48 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (10/5), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,85-48,27 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào-bán ra ở mức 47,8-48,12 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng trong nước điều chỉnh giảm giá bán ra khoảng 100.000-200.000 đồng/lượng.

Thị trường vẫn lạc quan trong trung hạn

Giá vàng thế giới khép lại tuần giao dịch này với mức tăng nhẹ khoảng 0,3%.

Theo giới quan sát, yếu tố hạn chế sự hấp dẫn của vàng trong phiên cuối tuần qua là số liệu việc làm tại Mỹ trong tháng Tư cho thấy 20,5 triệu người đã thất nghiệp, thấp hơn mức dự báo của thị trường là 22 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong cùng giai đoạn là 14,7%, cũng không cao như mức 16% do thị trường đưa ra trước đó.

Ông David Meger, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại tại Công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures cho rằng, số liệu việc làm mới nhất của Mỹ vô cùng tồi tệ. Song mặt khác, thị trường đã thấy một chút lạc quan tiến về phía trước với nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mở cửa lại từng bước.

Một yếu tố khác cũng tạo áp lực lên giá vàng là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc dường như đã “hạ nhiệt,” sau khi Bắc Kinh cho biết các nhà đàm phán từ cả hai nước đã đồng ý “cải thiện bầu không khí” để thực hiện thỏa thuận Giai đoạn 1. Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp mức thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhận định, những dữ liệu kinh tế mới nhất trong tuần qua của Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng về các biện pháp kích thích mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thậm chí, thị trường đã đặt cược về một môi trường lãi suất âm tại nước này. Lãi suất thấp hơn sẽ gây áp lực lên đồng USD và lãi suất trái phiếu Chính phủ, trong khi lại làm tăng sức hấp dẫn của những tài sản không sinh lời như vàng.

Ông Tai Wong, người đứng đầu mảng giao dịch kim loại quý và cơ bản tại ngân hàng BMO cho biết, các động lực chính thúc đẩy cho giá vàng gồm lãi suất ở mức 0%, các kế hoạch chi tiêu lớn và mối quan tâm sâu sắc về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai vẫn còn khá mạnh mẽ. Vì vậy, triển vọng của vàng vẫn khá “tươi sáng” trong trung hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.