Trong khoảng hai năm gần đây, sản lượng ximăng Việt Nam đã dư cung để phục vụ nhu cầu trong nước và nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn con đường xuất khẩu.
Có ý kiến cho rằng, xuất khẩu ximăng chỉ là giải pháp tình thế bởi sức tiêu thụ trong nước chậm lại do thị trường xây dựng trầm lắng. Tuy nhiên, dư luận đang lo ngại trước thông tin giá xuất khẩu ximăng thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lương Quang Khải - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ximăng Việt Nam (Vicem).
- Có hay không hiện tượng giá xuất khẩu ximăng của các doanh nghiệp Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước thưa ông?
* Chủ tịch Lương Quang Khải: Hiện giá xuất clinker của Việt Nam khoảng 38-39 USD/tấn, tương đương 800.000 đồng/tấn còn giá ximăng xuất khẩu khoảng là 55 USD/tấn, tương đương 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tấn tùy theo tỷ giá. Trong khi đó, giá bán ximăng xuất xưởng trong nước của Vicem cũng ở mức này. Tuy nhiên, khi nhận hàng người ta phải vận chuyển và áp dụng các chính sách bán hàng khác nên giá thành rơi vào khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/tấn. Bởi vậy, nếu chỉ đem giá bán đến tay người tiêu dùng đi so sánh với giá xuất khẩu thì đương nhiên thấy chênh lệch, nhưng đây là sự so sánh khập khiễng.
Giá xuất khẩu là giá bán buôn còn trong nước là giá bán lẻ. Giá bán giao tại nhà máy bán không phải tính các khoản như vận chuyển, chiết khấu, khuyến mại và phải trả tiền ngay nên không phải tính lãi suất theo ngân hàng. Còn khi ra đến thị trường, người ta phải tính giá 1,3-1,4 triệu đồng/tấn vì phải vận chuyển đi xa, có nơi tới vài trăm cây số, rồi còn phải nuôi bộ máy bán hàng nữa... Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định nếu cùng giao bán tại nhà máy thì giá ximăng xuất khẩu không thấp hơn giá bán trong nước. Ngay như Vicem khi bán ximăng cho các dự án giao thông nông thôn thì còn cho trả chậm, thực ra còn thấp hơn so với giá xuất khẩu. Thậm chí, hòa giá sản xuất cũng vẫn bán vì đó là mục tiêu phát triển chung của xã hội.
Ở Việt Nam, vào mùa xây dựng thì tiêu thụ nhiều, tháng Tết, mùa mưa thì tiêu thụ ít, áp lực trả nợ vốn vay đầu tư cao, chi phí lãi vay vốn lưu động lớn, mà nhà máy sản xuất ximăng thì không được phép dừng, phải sản xuất liên tục nếu không sẽ dẫn đến tổn hao nhiệt, thiếu dòng tiền... mục tiêu của chúng ta là không được lỗ, không xuất khẩu bằng mọi giá.
- Lựa chọn xuất khẩu hay bán trong nước sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thưa ông ? Xin cho biết quan điểm của ông về việc xuất khẩu ximăng?
*Chủ tịch Lương Quang Khải: Ximăng là sản phẩm nặng cho nên bán thị trường gần, bán thị trường trong nước là tốt nhất. Mang đi xa thì chi phí lớn mà hiệu quả không cao. Do vậy, ai cũng mong muốn tiêu thụ được trong nước bởi vừa kiểm soát dòng tiền vừa là thị trường lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn phải được tính đến bởi đó là “sân chơi lớn” nhưng khi tham gia các doanh nghiệp trong nước phải thống nhất, liên minh lại thành những hội, hiệp hội để đạt hiệu quả làm xuất khẩu tốt hơn.
Tại Việt Nam, mùa xây dựng thì lượng ximăng tiêu thụ nhiều, nhưng cũng có thời điểm sẽ tiêu thụ ít (mùa mưa bão) và khi đó sẽ có một lượng hàng dư cần giải quyết. Một đặc điểm của các nhà máy ximăng là phải vận hành liên tục, không được phép dừng sản xuất vì sẽ dẫn đến tổn hao nhiệt; đồng thời phải đối mặt với áp lực trả nợ vốn vay đầu tư cao, chi phí lãi vay vốn lưu động lớn.
Mục tiêu chính của doanh nghiệp vẫn là hiệu quả và xuất khẩu là giải pháp đúng mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Khi xuất khẩu ra ngoài sẽ giúp giảm áp lực hàng tồn trong nước và lại thu được ngoại tệ, trong khi giá xuất khẩu không thấp hơn nhiều lắm so với các nước khác.
Hiện giá xuất clinker của Thái Lan là 40 USD/tấn thì Việt Nam từ 38-39 USD/tấn. Do từ Thái Lan vận chuyển đến thị trường Indonesia và Bangladesh gần hơn nên họ có giá bán tốt hơn Việt Nam.
Trong khu vực châu Á, Thái Lan và Hàn Quốc là những nước đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, mạng lưới buôn bán ximăng từ lâu rồi. Sản lượng ximăng Việt Nam những năm trước chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu trong nước là chính, không có dư thừa nên bây giờ cung vượt cầu thì mới tham gia thị trường xuất khẩu để điều tiết nên giá xuất thua họ 1-2 USD/tấn thì tôi cho rằng cũng là chuyện bình thường.
Hiện giá xuất clinker của Việt Nam tương đương 800.000 đồng/tấn. Trước đó, giá clinker bán trong nước cũng chỉ có 630.000-650.000 đồng/tấn nhưng do vừa rồi đã xuất khẩu được hàng nên giá bán trong nước cũng được đẩy lên 730.000-740.000 đồng/tấn. Hiệu quả doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt bởi mức giá đó vẫn bù được chi phí sản xuất cùng hàng loạt chi phí khác... Trong khi đó, nếu doanh nghiệp cùng giữ hàng lại để bán trong nước thì giá sẽ còn tụt xuống thấp, thậm chí nhiều nhà máy sẽ phải dừng sản xuất.
Đơn cử như Nhà máy ximăng Hoàng Thạch công suất 4 triệu tấn/năm, năm 2012 do chưa chủ động xuất khẩu, nên những tháng đầu tồn đọng, có lúc lên tới 500 ngàn tấn clinke. Nhưng từ năm 2013 tình trạng này đã được giải quyết bằng cách xuất khẩu, không để tồn kho. Các dây chuyền vẫn chạy hết công suất, vừa bán trong nước vừa phục vụ xuất khẩu nên lợi nhuận của ximăng Hoàng Thạch năm 2013 là hơn 300 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012.
Xuất khẩu giúp giảm áp lực dư thừa trong nước, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, thu được ngoại tệ, có dòng tiền trả vốn vay, các nhà máy đều hoạt động ổn định, có hiệu quả. Trong xuất khẩu vừa qua, Việt Nam đã xuất cả clinker và ximăng và luôn bám sát giá khu vực để đảm bảo quyền lợi của mình. Về lâu dài, tôi cho rằng chỉ nên duy trì hàng hóa ở một tỷ lệ nhất định vì clinker, ximăng là hàng nặng, chi phí vận tải và bảo quản lớn, ảnh hưởng tới giá thu về của nhà sản xuất.
- Sản lượng ximăng của các đơn vị thành viên Vicem chiếm tới 38% thị phần trong nước. Ở vai trò “dẫn dắt” trên thị trường, Vicem đã có những giải pháp gì để điều tiết giá xuất khẩu, hạn chế việc các doanh nghiệp “phá giá” lẫn nhau nhằm thu hút khách hàng thưa ông?
* Chủ tịch Lương Quang Khải: Vào thời điểm cuối năm 2012, việc xuất khẩu thông qua môi giới đã khiến giá clinke và ximăng giảm vài USD mỗi tấn. Trước tình hình đó, Vincem đã kêu gọi các doanh nghiệp thành viên thống nhất toàn bộ đầu mối xuất khẩu, chứ không để từng nhà máy thực hiện đơn lẻ mà đưa vào quản lý tập trung. Bán chung giá và xuất khẩu hàng chất lượng tương đồng để giữ uy tín và thị trường. Do vậy, từ giữa năm 2013, giá xuất clinker của Việt Nam đã tăng lên thêm 2 USD/tấn, ở mức 39 USD/tấn, chỉ thấp hơn Thái Lan 1 USD/tấn. Vicem mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng và Hiệp hội ximăng Việt Nam để cùng thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp của bán hàng xuất khẩu.
Hiện đa số các doanh nghiệp lớn đã theo phương hướng mà Vicem đưa ra nhưng khi đã thống nhất rồi thì kỹ thuật thực hiện ra sao cho hợp lý bởi nó không chỉ liên quan đến giá cả mà còn cả đánh giá về thị trường xuất nữa. Tỷ lệ xuất khẩu hợp lý sẽ phụ thuộc vào tùy từng thời điểm, vào thị trường chứ không phải thích xuất khẩu lúc nào thì xuất lúc đó. Khi tham gia xuất khẩu, doanh nghiệp nước nào cũng phải tự liên kết với nhau nhưng phải thống nhất trong sự cạnh tranh về chất lượng, thống nhất cách tổ chức và đưa ra mức giá phù hợp cho từng dòng sản phẩm cụ thể.
Tuy nhiên vấn đề xuất khẩu clinker và ximăng cũng cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là không nên để quá nhiều đầu mối xuất khẩu làm cạnh tranh nội bộ, bạn hàng ép giá, uy tín thương hiệu sản phẩm bị ảnh hưởng. “Buôn có bạn, bán có phường”, tôi cho rằng Việt Nam cần chuyên nghiệp hóa nghiệp vụ xuất nhập khẩu, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng chiến lược lâu dài như vậy chúng ta sẽ có chỗ đứng trên thương trường thế giới, chủ động và có hiệu quả trong lĩnh vực này.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!/.