"Giấc mơ châu Phi" sẽ do Trung Quốc làm chủ đạo?

"Giấc mơ châu Phi" và "Giấc mơ Trung Hoa" có thể cùng được viết nên bởi Trung Quốc không có lịch sử đô hộ châu Phi, dù bằng bạo lực hay phi bạo lực.
"Giấc mơ châu Phi" sẽ do Trung Quốc làm chủ đạo? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: China Daily)

Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây đăng bài phân tích của phó giáo sư Paul Zilungisele Tembe, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Lãnh đạo châu Phi Thabo Mbeki (TMALI) ở Nam Phi, đề cập đến "mô hình kinh tế Trung Quốc" đang được các quốc gia châu Phi lựa chọn.

Bài viết phần nào cho thấy sức ảnh hưởng của hợp tác giáo dục đào tạo và truyền thông Trung Quốc đối với các học giả châu Phi, cũng như những lập luận mà các chính trị gia Trung Quốc sẽ sử dụng để phản bác các chỉ trích của phương Tây.

Mô hình tổ chức xã hội phương Tây dường như sẽ thất bại. Những thiếu sót của nền dân chủ phương Tây đang thúc đẩy sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy. Những điểm yếu của nền kinh tế thị trường tự do đã và đang làm tăng nghèo đói và bất bình đẳng. Vậy sự thay thế khả thi nào có thể khắc phục được những vấn đề của chủ nghĩa tư bản? Châu Phi nên lựa chọn mô hình nào khi châu lục này đang giành được sự quan tâm của cả Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ, Nga và Trung Quốc?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) được coi là điển hình về khoảng cách giàu nghèo giữa giới tinh hoa chiếm 1% dân số và 99% dân số còn lại của thế giới bị tước đoạt lợi ích kinh tế. Báo cáo mới nhất của Oxfam cho thấy tổng tài sản của 26 tỷ phú thuộc vùng Vịnh - khu vực vốn đang phát triển mạnh - tương đương với tổng tài sản của khoảng 3,8 tỷ người đang sống trên trái đất. Liệu chúng ta có thể bỏ qua việc xem xét áp thuế tài sản 1% (khoảng 400 tỷ USD), như Thomas Guletty và một số học giả khác đề nghị, để góp phần giải quyết vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp (PUI)?

Brexit, chủ nghĩa Donald Trump, Jair Bolsonaro (đương kim Tổng thống Brazil), cũng như sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy cho thấy những khiếm khuyết của nền dân chủ phương Tây trong việc trực tiếp giải quyết vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp.

Rõ ràng, dự đoán của Francis Fukuyama về “sự cáo chung của lịch sử” là không chính xác. Mô hình dân chủ tự do phương Tây không phải là giải pháp cuối cùng. Các quốc gia phía Nam bán cầu đang tìm kiếm một mô hình có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng năng lực nhà nước và đoàn kết xã hội hướng tới một tầm nhìn chung.

Sau năm 1978, mô hình Trung Quốc đang dần trở nên phổ biến tại châu Phi. Từ Ethiopia đến Kenya và Nam Phi, "Đồng thuận Bắc Kinh" (hay Mô hình Trung Quốc hoặc Mô hình Kinh tế Trung Quốc) ngày càng được ủng hộ hơn so với "Thỏa thuận Bretton Woods."

Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng này có phải là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tái "đô hộ" châu Phi và chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phong phú của lục địa đen? Liệu rằng năm 2019, các quốc gia từng là thuộc địa này sẽ mù quáng đến mức cho phép một siêu cường khác xâm chiếm và khai thác tài nguyên của họ mà không mang lại lợi ích gì cho người dân châu lục?

Bằng chứng thực tế cho thấy điều ngược lại, rằng sự hỗ trợ vật chất của Trung Quốc đối với châu Phi tạo ra kết quả tích cực. Điệp khúc của Trung Quốc về "hợp tác cùng có lợi" có vẻ hợp lý cả về chính trị và kinh tế. Thay vì xây dựng các căn cứ quân sự ở châu Phi, Trung Quốc đã và đang tập trung vào cơ sở hạ tầng cứng như: đường sắt, đường bộ, thông tin liên lạc...

Thay vì truyền bá các giá trị cá nhân chủ nghĩa kiểu phương Tây tới các học giả châu Phi, Trung Quốc dành ưu tiên cho các khuôn khổ khác, chẳng hạn như Nho giáo vốn có nhiều điểm chung với các hệ thống niềm tin ở châu Phi như ubuntu (theo ngôn ngữ của người Zulu, Nam Phi).

Mô hình của Trung Quốc đang được các chính phủ châu Phi ủng hộ bởi nó dựa trên 3 điểm mang tính chiến lược của sự liên kết châu Phi-Trung Quốc, gồm: phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ tài chính. Ba lĩnh vực chiến lược này là những nút thắt cấu trúc, không cho thấy hết thực tế tình hình sáng sủa “châu Phi nổi lên” như đang diễn ra ở các nước Rwanda, Mauritius và Botswana. Tất nhiên, sự yếu kém trong lãnh đạo và tình trạng tham nhũng tràn lan cũng góp phần đáng kể dẫn đến việc Tạp chí Nhà kinh tế đưa ra đánh giá hồi tháng 5/2000 rằng châu Phi là "lục địa vô vọng."

Do đó, nếu Trung Quốc có ý định khai thác châu Phi, liệu họ có xây dựng hơn 10.000km đường bộ, 6.000km đường sắt, hàng trăm trường học, sân vận động và cảng biển trên toàn châu Phi? Liệu Trung Quốc sẽ đồng thuận thể hiện tình đoàn kết và hữu nghị thông qua tài trợ xây dựng trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) ở Ethiopia trong khi AU vẫn chủ yếu phụ thuộc vào EU để duy trì hoạt động? Logic cho thấy sự nghèo đói và phụ thuộc của châu Phi không phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Bởi điều này sẽ ngược lại với quan điểm của Trung Quốc trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) vốn được xây dựng và triển khai nhằm kết nối thông thương và cơ sở hạ tầng.

Sẽ hợp lý hơn khi hỗ trợ các mục tiêu phát triển trung và dài hạn của châu Phi vì đây là lục địa với dân số trẻ mà ít lục địa nào khác có được, với khát vọng được bổ trợ tay nghề và đào tạo lại nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Và cũng sẽ phù hợp hơn nếu khuyến khích người dân châu Phi đạt được các nấc thang xã hội cao hơn, hướng đến đạt được mức sống trung lưu, chia sẻ động lực doanh nhân và các chương trình đổi mới sáng tạo.

Không giống như chính sách "chia để trị" của thời kỳ thuộc địa, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi là lựa chọn hợp lý khi quan sát các diễn biến mới nhất ở Cộng hòa Dân chủ Congo với hy vọng nhà lãnh đạo tiến bộ vừa được bầu ở nước này sẽ mang lại sự ổn định chính trị. Trong bối cảnh đang dần thoát khỏi mấy chục năm bóc lột và điều hành yếu kém, Cộng hòa Dân chủ Congo sẽ cần những người bạn thật sự để xây dựng cộng đồng chung vận mệnh cho những người dân vốn chưa bao giờ được hưởng thành quả của tự do hậu thuộc địa.

"Giấc mơ châu Phi" và "Giấc mơ Trung Hoa" có thể cùng được viết nên bởi Trung Quốc không có lịch sử đô hộ châu Phi, dù bằng bạo lực hay phi bạo lực. Tầm nhìn của Nelson Mandela về "Nếu có những giấc mơ về một châu Phi tươi đẹp, nhất định sẽ có cách thức để hiện thực hóa mục tiêu đó" và mô hình hợp tác Trung Quốc-châu Phi có thể giúp đạt được mục tiêu như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.