Giải bài toán cân đối thu mua dự trữ và xuất khẩu gạo

Nhận định từ giới chuyên môn cho rằng, việc doanh nghiệp trì hoãn thực hiện cung cấp gạo dự trữ quốc gia được cho là bởi giá gạo châu Á xuất khẩu đang ở mức cao nhất 7 năm.
Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) đóng bao xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản, Trung Đông, Malaysia, Australia và Trung Quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) đóng bao xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản, Trung Đông, Malaysia, Australia và Trung Quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thông tin nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không mở được tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020 phải gửi văn bản đề nghị tới nhiều Bộ, ngành còn chưa được giải quyết thì Tổng cục Hải quan và Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều doanh nghiệp mở được tờ khai xuất khẩu lại từ chối ký hợp đồng và bảo đảm thực hiện hợp đồng đã trúng trong đấu thầu gạo dự trữ quốc gia liên tiếp gây sự chú ý của dư luận.

Nhận định từ giới chuyên môn cho rằng, việc doanh nghiệp trì hoãn thực hiện cung cấp gạo dự trữ quốc gia được cho là bởi giá gạo châu Á xuất khẩu đang ở mức cao nhất 7 năm do tác động bởi dịch COVID-19 và thiên tai diễn biến phức tạp. Hiện nay, chưa có chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với an ninh lương thực quốc gia.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có tới 26/28 doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia, nhưng đang tìm đủ lý do để hủy hoặc không đến ký hợp đồng thực hiện.

Còn thông tin mới nhất từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đến ngày 14/4, Tổng cục mới mua vào được 7.700 tấn gạo dự trữ trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Đỗ Việt Đức, nguyên nhân chủ yếu Tổng cục Dự trữ Nhà nước chưa mua được đủ số gạo do nhà thầu từ chối ký hợp đồng và bảo đảm thực hiện hợp đồng bởi diễn biến giá trên thị trường tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo và không cung ứng được.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), những doanh nghiệp từ chối cung cấp gạo dự trữ quốc gia cũng có “nỗi khổ riêng,” chủ yếu ở vấn đề chênh lệnh giá trúng thầu và giá gạo trên thị trường quá lớn.

“Theo tôi được biết, khi các doanh nghiệp đăng ký đấu thầu, giá gạo 504 (loại gạo cho dự trữ) trong nước và thế giới vẫn còn thấp, các doanh nghiệp trúng thầu cung cấp với giá 8.500 đồng/kg. Nếu bao gồm cả chi phí vận chuyển đến kho dự trữ, giá dao động từ 8.700-8.900 đồng/kg.

Tuy nhiên, sau công bố trúng thầu và cùng thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu khiến giá gạo thế giới tăng cao, kéo theo giá gạo thị trường trong nước cũng tăng lên mức 10.000-10.500 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với giá trúng thầu.

Với mức chênh lệch như vậy, những doanh nghiệp không có sẵn lượng gạo đã thu mua trước đó với giá thấp không thể mua được gạo để giao, nếu mua gạo giao cho Tổng cục Dự trữ thì thiệt hại là rất lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải bỏ tiền bảo lãnh để không chịu tổn thất lớn hơn,” ông Nguyễn Văn Đôn chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Công ty Phước Thành 2 (Long An) - doanh nghiệp chỉ mở được tờ khai xuất khẩu 119 tấn gạo trong hạn ngạch xuất khẩu tháng 4 vừa rồi cho biết, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đấu thầu thu mua dự trữ và công bố các doanh nghiệp trúng thầu (phần lớn là các doanh nghiệp Nhà nước). Do đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các doanh nghiệp đã trúng thầu phải có trách nhiệm thực hiện việc thu mua và giao hàng theo quy định của pháp luật.

[Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo về việc đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo]

“Theo nguyên tắc thì doanh nghiệp trúng thầu giá nào phải giao hàng theo giá đó. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh thời gian qua thì thị trường gạo thế giới chịu tác động của dịch COVID-19 nên đã tăng giá đột biến, ảnh hưởng trực tiếp đến giá lúa gạo trong nước.

Trong trường hợp trên, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu thực hiện hợp đồng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước nên thu mua gạo dự trữ theo giá thị trường, còn nếu giữ nguyên mức giá cũ thì hầu hết doanh nghiệp phải “bỏ cọc” chứ không thể thu mua đủ lượng gạo để đưa vào kho dự trữ,” ông Khoa nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), từ việc rà soát 39 doanh nghiệp đăng ký thành công các tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương từ 0 giờ ngày 12/4, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.

Ông Âu Anh Tuấn chỉ ra trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước), nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước những doanh nghiệp này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Trong khi đó, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn gạo. Cụ thể, trong số này có tới 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020.

Đơn cử như Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn và đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Dù vậy, doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn hay Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Hai doanh nghiệp khác gồm Công ty cổ phần Mỹ Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu, nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực. Hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Theo ông Âu Anh Tuấn, quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo cho thấy, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước đây.

"Hiện tượng doanh nghiệp từ chối tham gia vào hợp đồng cung cấp dự trữ gạo quốc gia, nhưng lại có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu gạo làm ảnh hưởng đến việc cung ứng và an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh xâm nhập mặn cũng như hạn hán thời gian qua," ông Âu Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, hiện nay chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu.

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các doanh nghiệp bỏ cung cấp gạo theo đấu thầu gạo dự trữ quốc gia để mở tờ khai xuất khẩu cho thấy các doanh nghiệp trên đã nhận ra việc thực hiện các hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia không có lợi bằng xuất khẩu.

Ông Hiệp cho biết thêm, trong các quy định đấu thầu hiện hành thì những đơn vị trúng thầu hoàn toàn có thể đưa ra lý do để từ chối ký hợp đồng bởi đây chỉ mới là giai đoạn chọn lựa nhà thầu và thương thảo để ký kết. Điều kiện là những doanh nghiệp này phải chấp nhận bỏ số tiền đảm bảo dự thầu (thông thường rơi vào khoảng 1,5%-2% giá trị gói thầu).

Để giải quyết tình trạng doanh nghiệp "hỗn loạn" trong khâu đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo vừa qua, đồng thời đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, Tổng cục Hải quan kiến nghị không nên sử dụng quản lý hạn ngạch theo từng tháng, thay vào nên sử dụng giải pháp đấu giá hạn ngạch như với mặt hàng đường mà Bộ Công Thương đang thực hiện.

Bên cạnh đó, việc đấu giá hạn ngạch dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và doanh nghiệp phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước.

Nếu doanh nghiệp đảm bảo các yếu tố này mới được tham gia vào đấu giá hạn ngạch. Từ đó, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn thực hiện ký hợp đồng và đăng ký tờ khai xuất khẩu.

Về chế tài xử lý đối với doanh nghiệp bỏ thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, việc tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp theo Luật Đấu thầu. Doanh nghiệp nào vi phạm thì sẽ bị cơ quan nhà nước xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu.

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp đề xuất, đơn vị mời thầu ở đây là các Cục dự trữ vùng cũng có thể xem xét loại những công ty này ra khỏi danh sách các nhà thầu nếu tổ chức đấu thầu lại.

Liên quan đến xử lý phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công Thương khẩn trưởng giải quyết vấn đề này.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Bộ Tài chính cũng báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các báo cáo này gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.