Giải bài toán cung vượt cầu trong sản xuất phân urê

Năng lực sản xuất phân urê của các doanh nghiệp hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và dự báo sẽ dư thừa.
Giải bài toán cung vượt cầu trong sản xuất phân urê ảnh 1Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy Đạm Cà Mau. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)

Năng lực sản xuất phân urê của các doanh nghiệp hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và dự báo sẽ dư thừa trong thời gian tới.

Chính vì vậy, để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất và hạn chế các tác động từ sự cạnh tranh tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp sản xuất urê đã chủ động lên phương án xuất khẩu.

Nguồn cung dồi dào

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, nhu cầu phân urê của cả nước vào khoảng 1,9-2 triệu tấn; trong đó miền Bắc khoảng 500.000 tấn, miền Trung khoảng 300.000 tấn và miền Nam là 1,2 triệu tấn.

Hiện tại, các nhà máy sản xuất urê như Nhà máy đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm. Riêng đạm Hà Bắc công suất 180.000 tấn/năm và dự án mở rộng lên 500.000 tấn/năm, dự tính sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Như vậy, nếu các nhà máy chạy hết công suất thiết kế sẽ cho tổng nguồn cung xấp xỉ 2,4 triệu tấn urê và cuối năm nay sẽ nâng lên khoảng 2,7 triệu tấn.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, từ năm 2013, Việt Nam đã có thể xuất khẩu từ 500.000-700.000 tấn phân urê.

Vì vậy, thị trường phân bón urê trong nước khá ổn định. Tuy nhiên, giá phân urê đang có xu hướng giảm vì nguồn cung dồi dào.

Theo Phó tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) Hoàng Trọng Dũng, tính từ đầu năm 2014 đến nay, PVCFC đã tiêu thụ được khoảng 130.000 tấn urê, so với kế hoạch sản xuất của năm khoảng 750.000 tấn.

Dự tính, năm 2014, PVCFC xuất khẩu khoảng 100.000 tấn, nhưng ưu tiên trước hết cung ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước.


Mở rộng thị trường xuất khẩu

Với việc nguồn cung phân urê trong nước sẽ dư thừa lớn khi một số nhà máy mở rộng và xây mới đi vào hoạt động, PVCFC đã chuẩn bị cho mình những bước đi tiếp theo qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Dũng cho biết hiện nay PVCFC cũng đã xuất khẩu sang một số nước như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc… và bước đầu được khách hàng tại những thị trường này chấp nhận.

Nhận thức rõ thị trường urê trong nước sẽ có sự cạnh tranh gay gắt nên từ mấy năm trước, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã tìm đường xuất khẩu urê, bên cạnh nỗ lực củng cố và xây dựng hệ thống phân phối trong nước để duy trì và phát triển thị phần.

Đến nay, PVFCCo đã thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar cùng với nhiều hoạt động chuẩn bị và phát triển thị trường.

Đối với thị trường Myanmar, năm 2014, PVFCCo đặt ra mục tiêu sẽ xuất khẩu với số lượng lớn bởi tổng lượng cầu đối với urê của Myanmar vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm và sẽ còn tăng trong những năm tới.

Những lợi thế của doanh nghiệp urê Việt Nam

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Tiêu, Tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu Hà Anh (một đầu mối phân phối phân bón lớn), doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu urê sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại của các nước Trung Đông và vùng Baltic, vốn là những nơi xuất khẩu urê trên thế giới.

Bởi sản phẩm của Việt Nam có giá thành rẻ, Việt Nam lại có vị trí thuận lợi - nằm gần vùng tiêu thụ phân bón lớn như Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar...

Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN chỉ mất từ 3-5 ngày/chuyến hàng, ít hơn nhiều so với 40-50 ngày/chuyến hàng vận chuyển từ các nước Trung Đông và vùng Baltic. Thêm vào đó, cước phí vận chuyển từ Việt Nam đi các nước khu vực cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu urê sang thị trường các nước ASEAN cũng phải tính toán nhiều yếu tố. Ví dụ như thị trường Myanmar được các nhà sản xuất urê Việt Nam xem là thị trường tiềm năng lớn cho xuất khẩu phân bón do năng lực sản xuất phân urê của nước này mới đáp ứng được 10% nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại thị trường này, Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của phân bón từ Trung Quốc vốn là thị trường truyền thống của Myanmar .

Ngoài ra, đối với thị trường Thái Lan, có đặc thù là quen sử dụng 100% urê hạt đục, điều này hiện tại chỉ đạm Cà Mau có thể thâm nhập.

Vì vậy, những nhà máy đạm sản xuất urê hạt trong nếu muốn vào thị trường này thì cần phải có thời gian để nông dân thay đổi thói quen…

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc xuất khẩu phân đạm ra thị trường thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam có một số khó khăn cần lưu ý như sự cạnh tranh từ Trung Quốc và vùng Trung Đông.

Các công ty ở Trung Đông được hưởng lợi thế về nguồn khí đốt giá rẻ, nên sản phẩm của họ rất cạnh tranh về giá cả. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất đạm urê trong nước cần hết sức nỗ lực, tận dụng lợi thế cạnh tranh (về chất lượng, giao thông thuận tiện, cước phí thấp…) trong quá trình mở rộng thương hiệu và thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á.

Tiến sỹ Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khuyến cáo xuất khẩu phân bón là một hướng mở tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhưng thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm phân bón của các nước khu vực và thế giới.

Vì vậy, bên cạnh việc mỗi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, cũng như có chiến lược xây dựng thương hiệu thì sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề sẽ rất cần thiết giúp doanh nghiệp thắng lợi trên thị trường trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục