Giải Cống hiến: Đưa ra "gương mặt thật của đời sống âm nhạc"

"Giá trị giải Cống hiến không phải chính nó mà ở người được giải. Gương mặt thật của âm nhạc cũng được vẽ lên để cho phép chúng ta hy vọng hay bớt ảo tưởng..."

Sau một năm chờ đợi, chỉ còn ít giờ nữa những chủ nhân giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2014 sẽ được công bố trong Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 9 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Nhiều yếu tố mới bên cạnh những tên tuổi nghệ sỹ gạo cội, khiến "đường đua" giải Cống hiến trở nên thú vị và khó đoán.

Như chia sẻ của Nhạc sỹ Dương Thụ, người được giao vai trò “bếp trưởng” âm nhạc cho đêm trao giải Cống hiến 2014, với Vietnam+ thì “Giá trị của giải Cống hiến không phải bởi chính nó mà ở những người được nhận giải." Và khi đã qua 9 mùa Cống hiến, cũng như các nghệ sỹ, như công chúng yêu nhạc, cũng như tôi… ông vẫn tò mò và hào hức về “chủ nhân” của giải Cống hiến.

Đó không chỉ là sự vinh danh anh chị em nghệ sỹ làm nghề hướng tới làm nghệ thuật một cách tử tế mà còn khiến chúng ta thêm hy vọng hoặc bớt đi sự ảo tưởng khi “gương mặt thật” đời sống âm nhạc được vẽ lên.

Giải Cống hiến: Đưa ra "gương mặt thật của đời sống âm nhạc" ảnh 1(Nhạc sỹ Dương Thụ: Ảnh: NVCC)

"Thảm họa âm nhạc xuất hiện theo giờ"

- Thưa nhạc sỹ Dương Thụ, trong vai trò mới là “bếp trưởng” âm nhạc Lễ trao giải Cống hiến lần 9 được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội ngày 22/4 nhiều người kỳ vọng về sự khác biệt và mới mẻ trong âm nhạc. Ông có “tiết lộ” gì không ạ?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Tôi chỉ là người “dọn bàn” và tạo nên một tinh thần để vẽ lên “gương mặt thật” của đời sống âm nhạc bằng những Cống hiến năm qua của các nghệ sỹ. Điều đó có làm nên sự khác biệt và bất ngờ không thì tôi chưa biết. Nhưng chắc chắn nó đẳng cấp và vui, hướng đến tương lai, nhiều màu sắc. - Nhìn vào Danh sách đề cử, ông có nhận định như thế nào về đời sống âm nhạc năm qua?
Nhạc sỹ Dương Thụ: Nhìn vào 7 hạng mục và 35 đề cử giải thưởng Cống hiến năm nay cá nhân tôi thấy rằng có thể hình dung ra “gương mặt thật” của đời sống âm nhạc. Nó không bi đát như chúng ta nghĩ. Tất nhiên, tiêu chí của giải Cống hiến luôn nhắm vào các đối tượng có những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật chứ không phải vinh danh những yếu tố thị trường nên nó không phản ánh đời sống âm nhạc theo bề nổi mà đại đa số khán giả biết đến. Chị biết một thực tế bây giờ, khán giả chúng ta đi xem nhạc nhiều hơn là nghe nhạc. Âm nhạc bản thân nó là nghệ thuật, không phải là công cụ để thương mại, tuyên truyền. Thế nên những “thảm họa” âm nhạc cũng xuất hiện theo cấp độ từng giờ, từng ngày. Điều đó thật đáng buồn… Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa giải Cống hiến đã có công rất lớn là giới thiệu, công nhận “gương mặt thật” của âm nhạc vốn đã bị che dấu bởi những yếu tố thị trường, showbiz . - Theo nhạc sỹ danh sách này có bỏ sót một cá nhân, “cống hiến” nào không ạ?
Nhạc sỹ Dương Thụ: Tôi nghĩ danh sách này không bỏ sót đâu. Nếu có thì nó sẽ rơi vào số ít chương trình nhưng vì đã được đề cử nhiều năm qua. Chúng ta nên ưu tiên cho những yếu tố mới xuất hiện. - Trong hạng mục Nhạc sỹ của năm lần đầu tiên Giải Cống hiến “vượt đường biên” đề cử nhạc sỹ Nguyên Lê [Quốc tịch nước ngoài- PV]. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Nhạc sỹ Dương Thụ: Tôi nghĩ việc chúng ta đề cử Nguyên Lê là rất hay. Tôi nói thật, tôi còn muốn Nguyên Lê sẽ trúng giải “Nhạc sỹ của năm” vì những cống hiến rất lớn của anh ấy khi đem những xu hướng âm nhạc mới, kích thích đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại phát triển, văn minh hơn.
Giải Cống hiến: Đưa ra "gương mặt thật của đời sống âm nhạc" ảnh 2(Nghệ sỹ Nguyên Lê. Ảnh: BTC)

Trong những chuyến trở về, Nguyên Lê được tiếp xúc với công chúng Việt Nam, anh đã chơi cùng các nhạc công Việt Nam và tìm được sự đồng điệu, hợp tác cùng nhau. Cống hiến của Nguyên Lê ở chỗ anh ấy là nghệ sỹ tầm quốc tế, anh ấy đã mang những xu hướng âm nhạc mới, văn minh trên thế giới World music về Việt Nam và ảnh hưởng nghệ sỹ chúng ta.

Điều thứ hai, sự góp mặt của Nguyên Lê cũng phản ánh nghệ sỹ Việt Nam chúng ta cũng không phải kém cỏi. Nghệ thuật đẳng cấp không thể một người giỏi chịu hợp tác với người kém hơn mình. Người phương Tây sòng phẳng lắm, chúng ta không giỏi đâu dễ họ chịu chơi với mình… 

"Nghệ thuật không phải mì ăn liền"

- Nhiều ý kiến cho rằng sự xuất hiện của một cá nhân nhưng được đề cử trong 3, 4 hạng mục giải thưởng Cống hiến như Tùng Dương, Đỗ Bảo… nó phản ánh âm nhạc năm qua  như “nước chảy chỗ trũng”. Bên cạnh đó sự trụ vững của những cái tên cũ như Quốc Trung, Tùng Dương, Mỹ Tâm… cũng đem lại nỗi băn khoăn “tre già nhưng măng chưa mọc”. Nhạc sỹ nghĩ sao về điều này?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Tôi không nghĩ như thế. Các bạn nhìn nghệ thuật hơi đơn giản. Làm nghệ thuật, người nghệ sỹ ngoài khả năng thiên bẩm, họ phải đào sâu, tìm tòi, lao động trọn đời. Âm nhạc không phải như thời gian, nay kiểu này, mai mốt khác sẽ không bền vững. Tôi xin lỗi, nếu thế đó là nền âm nhạc… tàn.

Như Tùng Dương, tôi thấy anh ấy được giải Cống hiến 3, 4 năm nay rồi nhưng chị thấy đấy anh ấy có cũ đâu. Nghệ thuật không có tuổi. Giá trị của giải Cống hiến không tính tuổi và không chia đều. Nghệ thuật mà bị đào thải như thế thì không có giá trị lâu bền. Chị thấy cả thế hệ chúng tôi, đếm trên đầu ngón tay có được bao nhiêu người và những sáng tác của chúng tôi có sức sống bao lâu rồi, nay đã bị đào thải và lãng quên chưa?

Vì thế tôi cho rằng chúng ta không nên sốt ruột. Nghệ thuật không phải mỳ ăn liền. Điều mừng nhất, cứ vài năm chúng ta lại có một vài hiện tượng mới. Nó cho chúng ta niềm hy vọng.

- Hạng mục “Nhạc sỹ của năm,” “Ca sỹ của năm,” và “Chương trình của năm” có đề cử của ông được cho là ba hạng mục “khó đoán” nhất năm nay. Nhạc sỹ có dự đoán của riêng mình chứ?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Công việc của nghệ sỹ là Cống hiến, làm nghệ thuật một cách tử tế. Việc đánh giá và bình chọn là của nhà báo và công chúng. Nhưng đánh giá và bầu chọn thế nào nó cũng phản ánh đúng thị hiếu và trình độ của người đó.
Giải Cống hiến: Đưa ra "gương mặt thật của đời sống âm nhạc" ảnh 3(Đồ Bảo- Tùng Dương ai sẽ là chủ nhân giải Cống hiến năm nay... Ảnh: BTC)

Dự đoán của ông Thụ cũng như vậy, có thể không đúng với mọi người nhưng đúng với ông ấy, đúng không nào (cười). Giá trị của giải Cống hiến không phải giá trị bởi nó mà ở người nhận giải. Nên nếu hỏi tôi muốn ai sẽ được, tôi sẽ trả lời là Nguyên Lê…

Tôi là người rất kỵ các giải thưởng và cũng không lấy làm quan trọng, vì những điều đó nó không góp phần tiếp lửa cho tôi. Tôi làm âm nhạc với hiểu biết và cảm xúc nội tâm của mình.

- Một ngẫu nhiên là cả bốn đề cử trong hạng mục Sáng tác của năm đều thuộc về các nhạc sỹ 9X. Nhạc sỹ có nhận xét gì những sáng tác này, nó cho phép chúng ta hy vọng về thế hệ nghệ sỹ cho âm nhạc Việt Nam đương đại chứ?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Với tôi, các bạn còn quá trẻ, toàn ở lứa tuổi 9X. Có những cái tên tôi không biết, có nhiều sáng tác tôi chưa từng nghe. Tôi xin lỗi vì điều đó. Nhưng khi được mời làm Đạo diễn âm nhạc cho Lễ trao giải năm nay tôi đã nghe tất cả và chọn ra 7 tiết mục sẽ biểu diễn trong đêm. Và 7 tiết mục đó phần nhiều là các sáng tác trẻ.

Điều đó phản ánh đời sống âm nhạc hôm nay thuộc về các bạn. Chúng ta không hy vọng thì âm nhạc Việt Nam đương đại cũng thuộc về họ. Khi nghe các sáng tác của họ tôi cảm nhận một tinh thần trẻ, hiện đại trong giai điệu, ca từ. Nó như mầm non muốn đâm chồi, trồi hẳn lên mặt đất đang bị khô cằn, nứt nẻ. Tôi thấy mừng vì điều đó.

Xin chân thành cảm ơn ông.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.