“Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New Zealand (từ ngày 19-20/3) sẽ góp phần củng cố và tiếp tục phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-New Zealand, đáp ứng lợi ích và nhu cầu hợp tác ngày càng tăng của mỗi bên và mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.”
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trước chuyến thăm của Thủ tướng.
Theo Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là dịp để hai nước cùng nhau nhìn lại chặng đường hợp tác và phát triển trong 40 năm qua và tìm ra các phương hướng để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ cũng như mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm như nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, công nghệ sạch, quản lý môi trường, quản lý rủi ro thiên tai, hàng không và du lịch.
Việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao, các cấp, giao lưu nhân nhân và sự hoạt động có hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương như Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Thương mại, Tham vấn Quốc phòng, Đối thoại kênh 2 thường niên.... giữa hai nước trong những năm qua không chỉ tạo nền tảng và động lực cho việc triển khai các thoả thuận hợp tác, mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.
Đánh giá về mối quan hệ Việt Nam-New Zealand trong 40 năm qua, Đại sứ Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh quan hệ song phương đã có những bước phát triển rất tốt đẹp, thể hiện qua việc hai nước đã thiết lập và triển khai có hiệu quả mối quan hệ đối tác toàn diện với các Kế hoạch hành động trong từng giai đoạn cụ thể, duy trì trao đổi các đoàn và tiếp xúc cấp cao trên cả bình diện song phương và đa phương.
Chỉ trong thời gian 10 năm gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức lẫn nhau. Cụ thể là các đoàn thăm chính thức New Zealand có Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2005); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (9/2007); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9/2009); Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (4/2012).
Các đoàn thăm chính thức Việt Nam có Toàn Quyền Dame Silvia Cartwright (11/2005); Thủ tướng Helen Clark (11/2006); Chủ tịch Quốc hội Lockwood Smith (4/2009); Thủ tướng John Key (7/2010 và 10/2010); Toàn quyền Sir Jerry Mateparae (8/2013); Phó Thủ tướng Bill English (9/2013).
Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều tăng đều đặn từ 15-20% trong vòng 10 năm qua và đã đạt mức 1,036 tỷ đôla New Zealand (NZD) năm 2014 (tương đương 800 triệu USD).
Trong các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong quan hệ thương mại với New Zealand trong vòng 5 năm qua và hiện là đối tác thương mại lớn thứ 20 của New Zealand.
Với đà tăng trưởng này trong kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa giữa hai nước cùng với những đóng góp quan trọng trong thương mại dịch vụ trên các lĩnh vực giáo dục, du lịch, dịch vụ tư vấn..., khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 1 tỷ USD vào cuối năm 2015 là hoàn toàn hiện thực, thậm chí còn cán đích trước thời hạn.
Nông nghiệp là lĩnh vực sôi động và có đóng góp quan trọng trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang New Zealand bao gồm trái cây nhiệt đới, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, hải sản.
Xuất khẩu nông sản của New Zealand sang Việt Nam chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, bao gồm: sản phẩm sữa, nguyên liệu ngành dệt may, hoa quả, gỗ nguyên liệu và khoáng sản. Những hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan nông nghiệp hai nước trong thời gian gần đây về kiểm dịch đã cho phép một số mặt hàng nông sản được xâm nhập thị trường của nhau như cá tra, xoài cát Hòa Lộc, thanh long của Việt Nam và sắp tới là khoai tây của New Zealand.
Hợp tác về giáo dục cũng là một điểm sáng trong quan hệ hai nước với ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam chọn New Zealand là điểm đến vì môi trường an toàn và chất lượng đào tạo cao. Hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam đi du học ở New Zealand ở các cấp độ từ khoá đào tạo ngắn hạn đến tiến sỹ.
Du lịch cũng là lĩnh vực rất có tiềm năng, còn nhiều dư địa và cần phải khai thác. Khách du lịch New Zealand vào Việt Nam không ngừng tăng qua các năm. Cụ thể năm 2012 đạt hơn 26.000, năm 2013 đạt hơn 30.000 và riêng trong năm 2014 ước đạt hơn 33.000 lượt người.
Trong khuôn khổ đa phương, hai nước cũng có mối quan hệ hợp tác hết sức tốt đẹp tại các diễn đàn như ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương), WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) và tại Liên hợp quốc, cũng như các cơ chế hợp tác khu vực mà cả hai nước cùng tham gia như tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Theo Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước, việc đầu tiên và có tầm quan trọng hàng đầu là làm sao triển khai hiệu quả và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-New Zealand trên các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Kế hoạch hành động 2013-2016.
Trong mỗi lĩnh vực cần khai thác những dư địa mới và cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về lĩnh vực kinh tế- thương mại, khoa học-kỹ thuật và giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải và du lịch..., tạo ra những đột phá mới, dấu mốc mới trong từng lĩnh vực này.
Đại sứ Nguyễn Việt Dũng khẳng định với tiềm năng của mỗi nước cộng với quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo và nhân dân hai nước, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand là một bức tranh sáng sủa, quan hệ Việt Nam-New Zealand sẽ vươn lên những tầm cao mới trong tương lai không xa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./.