Trả lời hãng tin CNBC, giới phân tích nhận định giai đoạn phục hồi kinh tế kế tiếp nhiều khả năng được dẫn dắt bởi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cần nhiều hàng hóa.
Đại dịch COVID-19 đã buộc các nhà dự báo đưa ra các dự đoán kinh tế kém lạc quan trong năm nay, với việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 16/9 cảnh báo triển vọng vẫn còn rất bất ổn.
Một trong những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi có thể đã được lấy lại động lực là việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thông báo sản lượng công nghiệp tăng mạnh nhất trong tám tháng vào tháng 8/2020.
Trung Quốc ngày 17/9 công bố số liệu cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 8/2020 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Diễn biến này củng cố quan điểm rằng nhu cầu tại Trung Quốc đang tiếp tục phục hồi.
Theo Max Layton, người đứng đầu mảng nghiên cứu hàng hóa EMEA tại Citi, ba “chất xúc tác lớn” để các nhà đầu tư theo dõi từ nay cho đến cuối năm là thông tin về vắcxin ngừa COVID-19, sức mạnh sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc và quy mô chương trình hỗ trợ kinh tế của Mỹ.
[OECD: Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự báo]
Andy Critchlow, người phụ trách mảng thông tin tại EMEA thuộc S&P Global Platts, cho biết chuyên gia này đang dõi theo sát sao các loại hàng hóa như quặng sắt bởi giá các loại hàng hóa công nghiệp này sẽ tăng vọt nếu sự phục hồi kinh tế được dẫn dắt bởi đầu tư vào hạ tầng.
Giá quặng sắt giao ngay tăng lên các mức cao trong sáu năm rưỡi trong phiên đầu tuần này, được giao dịch gần mức 129 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt đã tăng gần 37%.
Giá vàng giao ngay tính từ đầu năm đến nay tăng hơn 28% trong khi giá bạc tăng gần 50% trong cùng kỳ.
Theo dự báo của chuyên gia Critchlow, nhìn về năm 2021, một số nền kinh tế lớn nhất của thế giới có thể sẽ sớm công bố các phát triển hạ tầng lớn, nhiều khả năng dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ./.