Giai đoạn quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp dệt may

Giới chuyên gia dự báo giai đoạn 2021-2023 sẽ quyết định cho sự phục hồi của doanh nghiệp dệt may, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hoặc có thể bị loại dần khỏi cuộc chơi.
Giai đoạn quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp dệt may ảnh 1May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Doanh nghiệp ngành dệt may trải qua năm 2021 đầy thách thức, khó khăn do chịu ảnh hưởng tiêu cực trực diện từ dịch bệnh COVID-19.

Giới chuyên gia dự báo giai đoạn 2021-2023 sẽ quyết định cho sự phục hồi của doanh nghiệp dệt may, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hoặc có thể bị loại dần khỏi cuộc chơi.

Gặp khó vì đại dịch

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ đầu quý 3 đến nay là thời gian khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt thách thức như phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm, phải giao hàng bằng máy bay hoặc bị hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp ở phía Nam tổ chức sản xuất "3 tại chỗ," "1 cung đường - 2 điểm đến" hoặc phương án sản xuất "4 xanh" nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10-30% số lao động đi làm, chi phí phát sinh lớn.

[Hỗ trợ doanh nghiệp để Việt Nam không lỡ nhịp phục hồi kinh tế]

Điều này gây ra những tổn thất về kinh tế và uy tín đối với khách hàng.

Thực tế, xuất khẩu hàng dệt may tháng Tám giảm 15,9% so với tháng 7/2021 và giảm 2,63% so với tháng 8/2020. Tháng Chín, xuất khẩu hàng dệt may cũng chỉ đạt 3 tỷ USD, tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% so với tháng 9/2020.

Theo Bộ Công Thương năm 2021, xuất khẩu dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, đạt từ 39-39,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, mực tiêu này gặp phải những thách thức lớn do tình hình dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không phải thiết yếu như quần áo đang chững lại, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu…

Thực tế theo VITAS, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 9 tháng năm 2021 mới đạt 29 tỷ USD.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) nhận định dịch bệnh kéo dài có thể khiến thị phần các doanh nghiệp Việt Nam suy giảm. Ngành dệt may cần nhiều nhân công để sản xuất, do đó bị ảnh hưởng trực tiếp nếu có lao động mắc COVID-19.

VCBS cho rằng diễn biến dịch bệnh phức tạp từ đầu tháng 5/2021 khiến Việt Nam đang trở nên kém thu hút hơn so với tình hình đầu năm 2020 đến tháng 3/2021.

Các nhà máy tại vùng tâm dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… phải thực hiện chiến lược “3 tại chỗ” bao gồm sản xuất-cách ly-ăn nghỉ tại chỗ làm cho chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên.

Do dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng và phức tạp, một phần đơn hàng của EU đã bắt đầu tạm chuyển hướng khỏi Việt Nam. Nếu tình hình kéo dài sẽ khiến thị phần của Việt Nam giảm trong dài hạn, VCBS nhận định.

Tuy nhiên VCBS cho biết từ giữa tháng 9/2021, Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp giúp ổn định tình hình xã hội, thích nghi với dịch bệnh và hỗ trợ các ngành sản xuất phục hồi.

Triển vọng tươi sáng thời hậu COVID-19

VCBS cho rằng giai đoạn 2021-2023 sẽ quyết định cho sự phục hồi, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hoặc bị loại dần khỏi cuộc chơi.

Theo dự báo của tổ chức McKinsey (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh), 2021-2023 là giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, với nhiều sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và phương thức vận hành.

Tình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1-2 năm tới. Do đó năm 2021, xuất khẩu dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU vẫn mở rộng. Xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may khiến Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ.

Bên cạnh đó, COVID-19 cũng làm thay đổi một số xu hướng, đó là thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm thể thao. Đồng thời, cũng thúc đẩy số hóa trong toàn ngành với gần 40% tổng doanh số bán hàng hiện đang được tạo ra từ các kênh kỹ thuật số. Niềm tin tiêu dùng ngày càng tăng sẽ mang lại cơ hội cho ngành dệt may.

Việc triển khai vaccine tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU ngày càng cao khiến chỉ số tiêu dùng tăng.

Theo số liệu cập nhật ngày 13/9/2021 tại trang web Ourworldindata.org, tỷ lệ tiêm vaccine tại Mỹ và một số nước EU cao trên 60%. Cụ thể, tại Mỹ là 62%, Tây Ban Nha 79%, Pháp 73%, Đức 66%.

Bên cạnh những triển vọng sáng thời hậu COVID-19, thì phát triển mảng bất động sản là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp dệt may.

Các doanh nghiệp này có thể kể đến như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã chứng khoán: VGT), Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã chứng khoán: GIL), Công ty cổ phần Damsan (mã chứng khoán: ADS), với các dự án bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở đang được bàn giao hoặc trong giai đoạn xin cấp phép.

Giai đoạn quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp dệt may ảnh 2(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Thực tế, do chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may có sự phân hóa mạnh. Trong khi một số doanh nghiệp vẫn báo lãi tăng thì ở chiều ngược lại có công ty lần đầu tiên thua lỗ sau nhiều năm hoạt động kinh doanh.

Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu thuần đạt xấp xỉ 1.710 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng đạt hơn 85 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều hướng tiêu cực, Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) đã “ngậm ngùi” báo lỗ sau nhiều năm kinh doanh có lãi.

Phía công ty cho biết do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp trong quý 3, doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/7/2021 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao.

Do vậy, doanh nghiệp lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý 3/2021, trong khi cùng kỳ lãi hơn 85 tỷ đồng. Đây cũng là lần báo lỗ đầu tiên của doanh nghiệp trong vòng 9 năm qua.

Dù vậy, Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực trong tương lai. Hiện công ty đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 mang lại doanh thu và lợi nhuận cho trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, công ty cũng cho biết đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1/2022.

Nhờ những kỳ vọng tăng trưởng thời hậu COVID-19 của ngành dệt may, trên thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu dệt may cũng đi lên mạnh mẽ.

Tính từ đầu năm tới nay, TCM tăng hơn 43,4%, GIL tăng hơn 57,1%, TNG tăng gần 106%, VGT tăng gần 110%, MSH tăng hơn 119%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.