Một phát hiện mới liên quan đến bức tranh nổi tiếng "Sự ra đời của Thần Vệ nữ" của danh họa người Italy Sandro Botticelli (1445-1510), vừa được tạp chí Y khoa Acta Biomadica công bố. Theo đó, bác sỹ giải phẫu Davide Lazzeri, một người đồng thời có kiến thức rất uyên bác về nghệ thuật đã chỉ ra rằng, danh họa Botticelli đã mang những chi tiết giải phẫu học của y khoa vào trong bức họa này.
"Đây là cách thể hiện mang tính cá nhân và mang tính tư biện; tuy nhiên, nó lại hoàn toàn phù hợp với một nghiên cứu trước đây về một bức họa nổi tiếng khác của Botticelli là bức 'Mùa Xuân' do các nhà nghiên cứu là Blech và Doliner tiến hành. Ở nghiên cứu này, người ta đã phát hiện thấy hình hài của hai lá phổi nằm ẩn trên phối cảnh thảm thực vật đằng sau khuôn mặt chính của nhân vật Venus" bác sĩ giải phẫu Davide Lazzeri giải thích.
Nếu ngắm kỹ bức tranh, người xem có thể thấy tà áo khoác mà nàng tiên Xuân Flora muốn khoác lên mình của nữ thần Venus trên thực tế có ẩn dấu hình hài chính xác của lá phổi với màu sắc như thực tế. Hình ảnh lá phổi có thể được Botticelli lấy cảm hứng từ trường phái triết học "Tân Platon" thời vương triều Médicis, vốn là biểu tượng phúng dụ cho chu trình cuộc sống của con người do hơi thở của Thượng đế sinh ra.
Ở bức "Sự ra đời của Thần Vệ nữ," hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Uffizi tại Florence (miền Trung Italy), danh họa Botticelli dường như chỉ chú ý đến việc lá phổi bên phải với sự thể hiện rốn phổi ở ngay phần dưới tay trái của Flora; từ đó hiện ra phế quản, mạch máu và các dây thần kinh chạy qua.
Theo bác sỹ giải phẫu Davide Lazzeri, có một cách giải thích khác liên quan đến biểu tượng lá phổi trong các bức tranh của Botticelli. Mọi người hâm mộ Botticelli đều biết rằng nữ quý tộc trẻ người Florence Simonetta Vespucci Cattaneo, người được coi là nàng thơ, nguồn cảm hứng để danh họa phác họa nên khuôn mặt của Thần Vệ nữ Venus, đã chết vì bệnh viêm phổi./.