Năm 2023, đầu tư công tỉnh Tiền Giang tiếp tục khởi sắc khi tỷ lệ giải ngân luôn nằm ở nhóm cao nhất cả nước.
Nhiều công trình, dự án hoàn thành về trước kế hoạch, đưa vào sử dụng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, giúp phát huy các tiềm năng đất đai, lao động xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong năm, tỉnh thực hiện 298 dự án, công trình với tổng nguồn vốn đầu tư công 6.522,5 tỷ đồng.
Trong 11 tháng năm 2023, tỉnh giải ngân được trên 4.307 tỷ đồng, đạt 73,2% kế hoạch vốn giao năm 2023, tăng hơn 19,6% so cùng kỳ năm trước. Tiền Giang phấn đấu đến cuối năm giải ngân 100% vốn đầu tư công trên địa bàn.
Kết quả này là cơ sở để địa phương triển khai sớm kế hoạch đầu tư công 2024 với 5.575 tỷ đồng, tăng 5,3% so kế hoạch năm 2023, trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách địa phương trên 3.254 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương 2.320,9 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết Tiền Giang đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, kịp thời đưa ra các giải pháp giải ngân nhanh vốn đầu tư công gắn với giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Từ đầu năm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì Hội nghị bàn thực hiện Kế hoạch Đầu tư Công; kịp thời quán triệt chủ trương, triển khai các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về vốn đầu tư công đến các sở, ngành tỉnh và địa phương làm cơ sở thực hiện.
Tỉnh chủ động triển khai kế hoạch vốn đầu tư công sau khi đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công năm mới ngay trong kỳ họp cuối năm trước và khi được Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao vốn.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định việc lựa chọn nhà thầu, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, công trình phù hợp với tính chất của các gói thầu.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, mạnh dạn điều chuyển vốn từ các dự án có khối lượng thực hiện thấp sang các dự án có khối lượng cao cần bổ sung vốn thanh toán khối lượng hoàn thành kịp thời.
Khâu giải phóng mặt bằng triển khai ngay sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án.
Tỉnh quan tâm hỗ trợ các chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công trình, đảm bảo đến cuối năm phải hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn Mới được giải ngân kịp thời, công trình sớm hoàn thành mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng.
Kết quả trong năm 2023, tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng toàn tỉnh có 50/142 xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu, nâng toàn tỉnh có 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Cái Bè, Châu Thành dự kiến ra mắt huyện nông thôn mới năm 2023.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) Nguyễn Văn Út chia sẻ, nhờ nguồn vốn đầu tư kiện toàn kiến thiết hạ tầng, giao thông, thủy lợi trong Chương trình Xây dựng Nông thôn Mới mở ra cơ hội kết nối giao thương, khơi thông ách tắc cho vùng sản xuất chuyên canh sầu riêng đặc sản, nông sản bán được giá, nông dân hưởng lợi, diện mạo nông thôn ngày càng xanh-sạch-đẹp và thịnh vượng.
Dự kiến, cuối năm 2023, Cẩm Sơn - xã An toàn khu, quê hương Chiến thắng Ba Rày lẫy lừng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Cai Lây.
Việc phân cấp, phân quyền triệt để giúp các chủ đầu tư chủ động điều chuyển vốn khi cần thiết, giúp giải ngân nhanh nguồn vốn theo tiến độ các dự án, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công và sớm hoàn thành các công trình, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
Nhờ đó, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung cho hay, đơn vị đã chủ động giải ngân nhanh nguồn vốn.
Ách tắc, khó khăn về vốn đầu tư được tháo gỡ khuyến khích nhà thầu huy động tốt các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các công trình và bàn giao, đưa vào sử dụng.
Tiền Giang khẩn trương bàn giao đất sạch cho dự án cầu Rạch Miễu 2
Tính đến đầu tháng 12 này, tỉnh Tiền Giang đã có 831 hộ dân nhận tiền đền bù giải tỏa, đạt 87,9% tổng số hộ bị ảnh hưởng dự án cầu Rạch Miễu 2, với tổng số tiền chi trả trên 1.350 tỷ đồng
Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang chủ đầu tư 12 dự án giao thông phục vụ phát triển kinh tế địa phương vừa liên kết các vùng kinh tế trọng điểm trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng nguồn vốn gần 712 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 11/2023, đơn vị giải ngân được gần 694 tỷ đồng, đạt 97,46% và đến cuối năm 2023 giải ngân 100% tổng nguồn vốn.
Hiện tiến độ thi công các công trình bảo đảm. Một số công trình về trước kế hoạch như: cầu Vàm Giồng trên đường tỉnh 864 hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 11 vừa qua, cầu Thông Lưu trên đường tỉnh 863 dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng ngay trong năm 2023.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ Đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Bá, trong hai năm 2022 và 2023, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phân bổ cho Tiền Giang trên 1.432 tỷ đồng chi trả bồi thường, hỗ trợ di dời hộ dân bị ảnh hưởng Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2. Đến đầu tháng 12/2023, tỉnh giải ngân đạt 100% tổng kinh phi.
Đến nay, 831 hộ dân nhận tiền đền bù giải tỏa, đạt 87,9% tổng số hộ; số tiền chi trả trên 1.350 tỷ đồng, đạt 82,3% tổng kinh phí. 463 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án cầu Rạch Miễu 2 với diện tích gần 103.000m2 đất, đạt 51,2%.
Năm 2023, vốn kế hoạch giao của Dự án Đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tình 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp là 228,1 tỷ đồng, đã được giải ngân 100%.
Nhờ vậy, toàn bộ 6 cống ngăn mặn trong dự án cơ bản hoàn thành đầu tháng 10, về trước khoảng 2 tháng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, dự án mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn, đảm bảo ngăn mặn, bảo vệ hàng chục ngàn ha đất trồng cây ăn quả đặc sản có giá trị xuất khẩu: sầu riêng, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, bưởi da xanh thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy.
Ông Nguyễn Văn Mười ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy có 5.000m2 sầu riêng. Ông cho biết các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 hoàn thành mang lại niềm phấn khởi lớn cho bà con vùng chuyên canh.
Trước mắt, mùa khô 2023-2024, bà con không còn phải lo thiên tai gây hại, an tâm đầu tư thâm canh, xử lý cho quả trái vụ, thu lợi nhuận từ 1,1 đến 1,8 tỷ đồng/ha sầu riêng.
Ông Mười chia sẻ trước đây, trong mùa khô 2019, do chưa có các cống đập trên, hạn mặn diễn biến phức tạp làm chết hơn 3.500ha sầu riêng phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, thiệt hại rất lớn.
Sự đầu tư kịp thời và đúng hướng của Nhà nước đã giúp nông dân phát huy tiềm năng đất đai, lao động làm giàu, nông nghiệp nông thôn tại những địa bàn khó khăn một thời từng bước vươn lên./.