Pháp và Đức đang tìm kiếm một giải pháp tạm thời để điều phối trong Liên minh châu Âu (EU) số người tị nạn vào châu Âu qua đường biển Địa Trung Hải. Sau đây là phân tích của báo Le Monde số ra ngày 20/7:
Trong nỗ lực tránh sự di chuyển vô định của những chiếc tàu chở người tị nạn trên biển Địa Trung Hải mà Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đã từ chối tiếp cận, Pháp và Đức đã đề xuất một giải pháp tạm thời dự kiến sẽ được phê chuẩn ngày 22/7 tại Paris.
Giải pháp này được đặt dưới sự bảo trợ của Phần Lan hiện đang giữ chức Chủ tịch thường trực Hội đồng EU. Với những ngôn từ rất thận trọng và cụ thể, văn bản nhắc đến một số giá trị nhân đạo mà EU đã cam kết.
Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối, giải pháp này cần phải được 50% số quốc gia thành viên EU phê chuẩn.
[Gian nan với Chủ tịch EC sắp tới khi đặt cược sinh mạng chính trị]
Các nước Đông Âu, do Hungary và Ba Lan dẫn đầu, tiếp tục từ chối bất kỳ ý tưởng nào liên quan đến việc tiếp nhận người tị nạn.
Sự việc tàu Sea-Watch 3 đã buộc phải chạy lòng vòng ngoài khơi suốt 2 tuần để chờ được phép cập cảng đã kết thúc vào ngày 29/6 với vụ bắt giữ tại Sicily thuyền trưởng người Đức Carola Rackete.
Chiếc tàu treo cờ Hà Lan chở theo 40 người tị nạn - nạn nhân của một vụ đắm tàu trước đó- cuối cùng đã thả neo tại đảo Lampedusa, bất chấp sự phủ quyết của chính quyền Italy.
Ba ngày sau đó, một thẩm phán với lý do nhân đạo để quyết định tha bổng thuyền trưởng Carola Rackete, người vẫn bị cơ quan tư pháp Sicily triệu tập ngày 18/7, trong khuôn khổ một cuộc điều tra về sự trợ giúp di cư bất hợp pháp.
Tại Strasbourg, Chủ tịch sắp tới của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu thiết lập lại các nhiệm vụ giải cứu trên biển và đưa ra một chính sách tị nạn chung.
Đây là một vấn đề ách tắc mà EU đã không thể giải quyết từ năm 2015. Việc cải cách Thỏa thuận Dublin, theo đó trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn được giao cho quốc gia đầu tiên mà người tị nạn đặt chân đến, cũng đang lâm vào thế bế tắc.
Với mục tiêu cố gắng vượt qua những trở ngại và tránh các thảm họa mới, trong bối cảnh những làn sóng vượt biên về phía bờ biển châu Âu đang tái diễn cùng với tình hình chính trị và nhân đạo xấu đi ở Libya, giới chức Pháp và Đức đã cùng nhau xây dựng một giải pháp.
Mục đích nhằm thiết lập một cơ chế đoàn kết, cho phép người di cư bằng đường biển nhanh chóng được tiếp nhận vào đất liền, cũng như sự phân phối giữa các quốc gia thành viên khác để xem xét hồ sơ xin tị nạn.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner và người đồng cấp Đức Horst Seehofer đã đề cập đến việc nhanh chóng chuyển người tị nạn đến các quốc gia EU khác ngoài những nơi họ đặt chân đến đầu tiên, cũng như thủ tục trao trả nhanh chóng những người không đủ điều kiện xin tị nạn.
Các bộ trưởng cũng có ý định áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt đối với các tàu thuộc các tổ chức phi chính phủ, như phải tuân thủ các hướng dẫn của Trung tâm điều phối khẩn cấp, cấm ngắt kết nối các bộ tiếp sóng, cấm gửi bất kỳ tín hiệu nào cho các thuyền khác hoặc ngăn cản nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ bờ biển.
Cuối cùng, các bộ trưởng đề xuất kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia quê hương của người tị nạn hoặc nơi họ quá cảnh, song song với việc tăng cường phương tiện của lực lượng bảo vệ bờ biển ở các quốc gia phía Nam Địa Trung Hải.
Nhiều đảm bảo khác được hứa hẹn với các quốc gia đang có thái độ miễn cưỡng, theo đó cơ chế tiếp nhận nhanh chóng này sẽ kết thúc vào tháng 10 tới.
Vậy quốc gia nào sẽ thuộc "liên minh tình nguyện viên" này? Chắc chắn không phải các quốc gia Đông Âu. Liệu Italy và Malta, để đổi lấy việc mở cảng biển, sẽ không phải quản lý những người nhập cư mới? Cả hai quốc gia trên đều tỏ ra miễn cưỡng trong khi Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini nói rằng tốt hơn hết là "không nên tin vào sự phân phối."
Hiện tại, đã có 4 quốc gia, ngoài Pháp, Đức và Phần Lan, đồng ý tham gia thực hiện giải pháp mới, trong khi 4-5 quốc gia khác đang cân nhắc.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner hy vọng sẽ tập hợp được sự phê chuẩn của khoảng 15 quốc gia thành viên EU vào ngày 22/7, trong khuôn khổ một cuộc họp tại Paris giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ với Ủy ban châu Âu, Cơ quan bảo vệ bờ biển và biên giới Frontex, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, Tổ chức di cư quốc tế.
Theo ông Dimitris Avramopoulos, Ủy viên di cư EU, thách thức từ làn sóng nhập cư từ đường biển không thể là trách nhiệm của một số ít quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, thực tế này kéo dài từ hơn 4 năm nay, khi mà EU đã không có chế tài xử phạt đối với những quốc gia từ chối nguyên tắc đoàn kết./.