Giải pháp nào để Nghệ An phát triển nhanh 3 vùng kinh tế trọng điểm?

Tỉnh Nghệ An đã xác định được 3 vùng kinh tế trọng điểm gắn kết với nhiều địa phương khác trong tỉnh và các địa phương của các tỉnh giáp ranh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Giải pháp nào để Nghệ An phát triển nhanh 3 vùng kinh tế trọng điểm? ảnh 1Một góc thành phố Vinh. (Nguồn: Truyenhinhnghean.vn)

Tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhằm đưa 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, năng động, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Ba vùng kinh tế trọng điểm được tỉnh Nghệ An xác định là vùng thành phố Vinh-thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai-Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An; vùng các huyện miền Tây Nghệ An.

Đối với vùng thành phố Vinh-thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh, tỉnh Nghệ An chủ trương phát triển nhanh thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.

Để làm được điều này, tỉnh Nghệ An đang tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 52/QĐ-TTg, ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ và mới đây nhất là Quyết định số 827/QĐ-TTg, ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đối với vùng Hoàng Mai-Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung phát triển thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh.

Giải pháp được tỉnh đề ra là phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp động lực (ximăng, nhiệt điện, chế biến thép, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, cảng biển, công nghiệp điện tử và một số ngành công nghiệp hỗ trợ).

[Sớm đưa thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ]

Cùng với đó, tại vùng này sẽ định hướng phát triển các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, các cơ sở đánh bắt, chế biến hải sản, các vùng chuyên canh rau; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi, chuyển đổi thành cảng tổng hợp công suất 30 triệu tấn; thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi, phấn đấu đến năm 2025, lấp đầy 60-70% diện tích đất công nghiệp; khai thác, nuôi trồng thủy hải sản gắn với công nghiệp chế biến và phát triển các vùng chuyên canh rau theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ.

Đối với vùng các huyện miền Tây Nghệ An, trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định các địa phương biên giới.

Tại vùng này, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực trong những ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng (như kinh tế rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, các sản phẩm đặc sản)...

Tỉnh Nghệ An đã xác định được 3 vùng kinh tế trọng điểm gắn kết với nhiều địa phương khác trong tỉnh và các địa phương của các tỉnh giáp ranh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Theo đánh giá của tỉnh, kinh tế-xã hội của vùng thành phố Vinh-thị xã Cửa Lò-các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh có bước phát triển khá tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của thành phố Vinh ước đạt 8,62%, thu ngân sách bình quân tăng 12,78%/năm, đóng góp khoảng 33,75% thu ngân sách toàn tỉnh và là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ như giáo dục và đào tạo, y tế, truyền thông, du lịch; thị xã Cửa Lò có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 12,1%/năm, du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh cũng xây dựng, phê duyệt quy hoạch được các khu chức năng vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh và triển khai khảo sát, lập quy hoạch 2 bên bờ sông Lam; hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Yên Xuân và chuẩn bị hoàn thành cầu Cửa Hội, tạo sự kết nối phát triển thuận lợi cho vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh.

Tại vùng Hoàng Mai-Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An, tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức lập quy hoạch các khu chức năng thuộc quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An, gắn không gian Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (Nghệ An) với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Đối với vùng các huyện miền Tây Nghệ An đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Trong số đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 ở vùng này đạt 6,8%; giá trị tăng thêm bình quân đầu người bằng 70% so với toàn tỉnh, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm trên địa bàn đạt 19,7%...

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm trên còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của tỉnh do cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh còn nhiều bất cập; khó khăn trong giải phóng mặt bằng; thiếu vốn đầu tư; thu hút đầu tư từ ngoài tỉnh và từ nước ngoài đầu tư vào các vùng kinh tế này còn hạn chế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.