Trong hai ngày 26-27/10, Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trong quá trình thảo luận, đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 3 đại biểu tham gia tranh luận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính phản biện cao
Nhìn chung, các nội dung thảo luận tại hội trường có phạm vi rộng, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính phản biện cao. Đa số ý kiến thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội, về cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chính sách dân tộc miền núi trong ba năm qua.
Nhiều đại biểu đã đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số đại biểu "chưa thật sự an tâm, còn cảm thấy lo lắng" trước nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra trong thời gian tới như chất lượng tăng trưởng tích cực, cải thiện nền kinh tế dựa vào vốn tài nguyên sức lao động, đầu tư nước ngoài; công nghiệp chủ yếu là quan hệ gia công sản xuất.
Nông nghiệp chưa phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị trường dễ bị tổn thương. Nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động giá rẻ, chế biến thô là phổ biến, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế.
Các đại biểu cũng đề cập đến những vấn đề về an sinh xã hội như: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, y tế cơ sở, bảo hiểm y tế; tăng cường thanh tra, ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách người có công; nâng cao năng suất lao động; thắt chặt an ninh mạng; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế...
[Họp Quốc hội: Chính phủ không nới lỏng kiểm soát lạm phát]
Giải trình nhiều nội dung quan trọng
Tại hội trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và 5 thành viên trong Chính phủ gồm Bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Tham gia giải trình với Quốc hội về vấn đề lạm phát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô mà Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Với Chính phủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lai, dự trữ ngoại hối, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng, theo tín hiệu thị trường, phối hợp tốt các giải pháp điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ và ngoại thương.
Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội về chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, Phó Thủ tướng nêu rõ mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là phải tăng trưởng kinh tế nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước nhưng phải bảo đảm tăng trưởng bền vững theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Liên hợp quốc đã quyết nghị.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận chất lượng tăng trưởng nhanh nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, không cố gắng thì nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiệu hữu.
Cùng với đó, các thành viên Chính phủ đã giải trình nhiều nội dung quan trọng như: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giải pháp cho tình trạng "được mùa mất giá"; giáo dục nổi cộm trong thời gian qua như những sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, vấn đề độc quyền sách giáo khoa; chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện hệ thống y tế cơ sở; cơ cấu lại ngành Công nghiệp - Thương mại; việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020...
* Vui mừng trước kết quả tăng trưởng kinh tế
Các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018, đồng thời bày tỏ sự vui mừng với những kết quả nổi bật đã đạt được, đó là: tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra trong 3 năm qua, bình quân 3 năm đạt 6,57% (cao hơn giai đoạn trước chỉ là 5,91%), riêng năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, song cũng có khả năng phấn đấu cao hơn mức này. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước chuyển dịch tích cực; bội chi ngân sách Nhà nước giảm dần, nợ công trên GDP giảm, bảo đảm ở mức an toàn; các chỉ tiêu về lao động và việc làm được bảo đảm; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, dần chuyển dịch sang chiều sâu, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu, song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng; năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực, chưa được cải thiện rõ nét; quá trình cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, rác thải; trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân.
Về thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều ý kiến cho rằng, nhìn chung việc thực hiện chính sách đã đem lại kết quả khá tích cực: cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước hoàn thiện; mạng lưới giáo dục, y tế bảo đảm; công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, số huyện nghèo, số xã nghèo, số hộ nghèo giảm nhanh chóng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện hơn trước. An ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, nhiều ý kiến thống nhất, năm 2019 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng từ năm 2018 cùng với khả năng phục hồi của kinh tế thế giới và việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng còn lại của năm 2018, kế hoạch năm 2019-2020 như báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bám sát Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; không thay đổi các mục tiêu Quốc hội đặt ra cho 5 năm và phấn đấu thực hiện ở mức độ cao hơn, hiệu quả hơn./.