Giải pháp tổng thể để đến với nông nghiệp xanh và phát thải carbon thấp

Việc phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học là một trong những nguyên liệu then chốt để ngành nông nghiệp phát triển xanh, sinh thái và phát thải carbon thấp.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Thực hiện mục tiêu hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp và thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt 2 đề án.

Đó là: Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ về hướng đi thực hiện hai đề án này vào thực tiễn để đảm bảo được mục tiêu đề ra, phóng viên TTXVN đã có cuộc chia sẻ với ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt 2 đề án là: Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết điều gì khiến ngành nông nghiệp có sự chuyển đổi mạnh mẽ này?

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt: Khoảng hơn 30 năm qua, ngành nông nghiệp thường xuyên ưu tiên sử dụng các sản phẩm vô cơ, hóa học để tăng năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, việc sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học được nông dân tận dụng một cách triệt để trong thời gian vừa qua.

Mỗi năm, cả nước có nhu cầu sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón; trong đó khoảng 75% là phân bón vô cơ. Thuốc bảo vệ thực vật hóa học chiếm khoảng 90%. Tất cả những sản phẩm đó, khi sử dụng có khoảng 40-60% hàm lượng có tác dụng với cây trồng cũng như các loài sinh vật gây hại, còn lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, chất lượng nông sản nếu bị tồn dư và hơn thế nữa là ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và đất.

ttxvn_yen_bai_huong_den_nen_nong_nghiep_xanh_than_thien_moi_truong.jpg
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao "Sáu không Farm” của anh Lục Vân Anh ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Do vậy, việc phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học là một trong những nguyên liệu then chốt để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và phát thải carbon thấp. Đây cũng là chìa khóa để chúng ta có thể phát triển thị trường nông sản, đặc biệt là đưa các sản phẩm nông sản vào các thị trường khó tính, với các yêu cầu về an toàn thực phẩm rất cao như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia…

Thậm chí Trung Quốc hiện nay cũng đã đưa ra nhiều quy định về an toàn thực phẩm rất chặt chẽ. Do vậy, ngành nông nghiệp phải có những giải pháp tổng thể trong sử dụng, phát triển phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp nông dân tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để giảm các chi phí đầu vào. Sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học sẽ giúp tăng tính đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái nông nghiệp, cũng giảm thiểu chi phí phần vật tư đầu vào.

Chúng ta cũng thấy rằng việc sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học sẽ mang đến sản phẩm an toàn, tăng giá trị. Đồng thời cũng nâng cao sức khỏe đất, nâng cao tính chống chịu cũng như sức khỏe của cây trồng để tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với sinh vật gây hại, điều kiện bất thuận. Qua đây góp phần xây dựng hệ sinh thái đa dạng sinh học trong sử dụng đất sản xuất nông nghiệp.

- Vậy thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện những nhiệm vụ trên như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt: Để làm được nhiệm vụ này ngành nông nghiệp sẽ phải áp dụng rất nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, Bộ sẽ phải rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách, các hệ thống văn bản pháp luật để làm sao khuyến khích được các tổ chức, cá nhân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ. Qua đó để đổi mới quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong sản xuất phân bón hữu cơ thế hệ mới, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế hệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm này.

Thứ hai là các chương trình đào tạo, tập huấn, hướng dẫn. Từ hệ thống của ngành hướng dẫn cho địa phương, doanh nghiệp xây dựng quy trình phòng trừ thuốc sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ để từ đó nhân rộng ra nông dân. Nông dân được nâng cao nhận thức, áp dụng một cách đồng bộ và từng bước mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

ttxvn_lien_ket_san_xuat_nong_nghiep_huu_co_tuan_hoan_tai_son_la.jpg
Sản phẩm phân giun quế của Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát)

Giải pháp nữa là xây dựng các phương pháp, tổ chức chứng nhận để đánh giá, kiểm tra, kiểm soát tốt về mặt chất lượng cũng như bảo vệ các thương hiệu sản phẩm đã được công nhận. Qua đó, giúp sản phẩm có thương hiệu, đứng vững trên thị trường và đảm bảo nguồn cung cho nông dân. Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, khuyến khích nông để cùng xây dựng, triển khai các mô hình. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân tiếp cận quy trình ứng dụng, sử dụng sản phẩm trong thực tiễn.

- Theo ông, làm thế nào để thay đổi thói quen sử dụng vật tư nông nghiệp của nông dân cũng như thúc đẩy sự phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thời gian tới?

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt: Mục tiêu là nâng việc sử dụng phân bón hữu cơ năm 2030 là lên đến khoảng 30% và công suất sản xuất khoảng 5 triệu tấn mỗi năm để đáp ứng đầy đủ và cân đối với cả lượng phân bón vô cơ.

Để tăng lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên đồng ruộng từ 10% lên 30%, Cục Bảo vệ thực vật đã ký kết với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình về sử dụng thuốc. Cục cũng ký kết với 24 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ để triển khai các mô hình và tiến tới năm 2050 có khoảng 50% diện tích sử dụng phân bón hữu cơ.

Bên cạnh đó, ngành đã và đang rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp có thể tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới với chương trình hợp tác quốc tế. Qua đó để đưa vào sản xuất những sản phẩm thương hiệu, uy tín và chất lượng.

Hay các chính sách thu hút đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm phân bón hữu cơ và thuốc có hướng sinh học. Đặc biệt, Cục sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để xây dựng quy trình sản xuất các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ từ nguồn phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp; tiến tới sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn nông hộ khoảng 20 triệu tấn/năm.

Việc chuẩn hóa các quy trình, hay các bộ công cụ về sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại theo từng loại cây trồng sẽ giúp nông dân áp dụng thực hành tốt. Từng bước đưa nông dân trở thành các chuyên gia trong vấn đề sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học với sản phẩm, với cánh đồng của mình.

Từ các mô hình, khi nông dân nhận thức và có thói quen trong sử dụng vật tư nông nghiệp hữu cơ, sinh học sẽ giúp cho môi trường đất, nước an toàn cũng bảo vệ chính sức khỏe của họ. Đồng thời, việc giảm được chi phí trong sản xuất sẽ tạo động lực cho người dân tiếp tục mở rộng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học.

- Xin cảm ơn Ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.