Nền kinh tế thương mại điện tử được ghi nhận là một điểm sáng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng rất cao, 25-30%/năm.
Với số người sử dụng điện thoại và Internet cũng như các mạng xã hội tăng, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam vốn đầy tiềm năng lại càng thêm sôi động.
Tuy nhiên, song hành với đó là nhiều thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hơn nữa.
Dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số
Ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao và số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều.
Thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong số 78% các quốc gia trên thế giới có giao dịch điện tử và nằm trong số 38% quốc gia có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; 45% quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trong số 75% quốc gia có Luật An ninh mạng…
Việt Nam cũng có hơn 60 triệu người sử dụng Internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội... Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng việc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho thương mại điện tử phát triển nhanh, bền vững trong vài năm tới.
Theo Bộ Công Thương, triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, thời gian qua lĩnh vực thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt bậc, duy trì ở tốc độ 30%-35% cho giai đoạn 2016-2019.
Quy mô thị trường thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng năm 2018 đạt 8,06 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đặc biệt, thương mại điện tử đã trở thành phương thức mua sắm phổ biến của người tiêu dùng (60% người dùng Internet đã tham gia mua sắm trực tuyến). Điều này góp phần đa dạng hóa và hiện đại hóa hệ thống phân phối, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google và Temasek công bố vừa qua dự báo, quy mô nền kinh tế số Việt Nam (bao gồm thương mại điện tử-bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, gọi xe trực tuyến và truyền thông trực tuyến) năm 2019 sẽ đạt 12 tỷ USD, đứng thứ ba Đông Nam Á là quốc gia có tỷ trọng kinh tế số trên GDP cao nhất khu vực (tổng giá trị giao dịch của các hoạt động kinh tế số Việt Nam ước tính chiếm 5% GDP, vượt hẳn so với mức dưới 4% của các quốc gia còn lại).
Cùng với Indonesia, Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số với mức tăng khoảng 40%/năm, trong khi Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tăng ở mức 20-30%/năm.
Chiếm một nửa trong 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á
Báo cáo do iPrice Group thực hiện tổng kết ra 10 sàn thương mại điện tử có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại thị trường Đông Nam Á.
Kết quả cho thấy đến hết một nửa trong số này chính là các công ty nội địa của Việt Nam, lần lượt là các tên tuổi: Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop.
Ngoài các công ty Việt Nam, 5 cái tên còn lại gồm Lazada, Shopee cùng 3 startup "kỳ lân" từ Indonesia là Tokopedia, Bukalapak và Blibli.
Tuy đang xếp ở nửa dưới của top 10, nhưng chỉ riêng việc các công ty Việt Nam chiếm đa số trong top 10 đã đủ minh chứng cho tiềm năng của các công ty nội địa lẫn kích cỡ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Với mức tăng trưởng trung bình là 25-27%/năm, thương mại điện tử Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
[Online Friday 2019 đặt mục tiêu thu hút 1.000 thương hiệu tham gia]
Trong năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam liên tục được “rót” các khoản tiền lớn từ các quỹ đầu tư quốc tế.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% như năm 2018 thì tới năm 2020 quy mô thương mại điện tử bán lẻ sẽ lên tới 13 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 (đạt 10 tỷ USD vào năm 2020).
Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, dự kiến, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đến năm 2020 còn khả quan hơn, với khoảng 13-15 tỷ USD.
Với nền tảng trên, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn.
Thách thức và rào cản
Theo nhận định từ giới phân tích, dù việc ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã trở nên phổ biến nhưng phần lớn doanh nghiệp còn chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng theo chiều sâu.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới về thương mại điện tử của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, hệ sinh thái cho thương mại điện tử bao gồm dịch vụ thanh toán, logistics và các dịch vụ phụ trợ còn chưa hoàn thiện.
Đáng lưu ý, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử vẫn còn cao, chiếm khoảng 80% tổng số giao dịch. Hàng hóa mang đến thì khách hàng mới trả tiền mặt.
Đây là một trong những trở ngại rất lớn vì làm xói mòn sự tin tưởng giữa doanh nghiệp/người bán và người tiêu dùng và hai bên đều nghi ngờ lẫn nhau, làm giảm rất nhiều khả năng kết nối thành công những giao dịch.
Điều này làm xói mòn lòng tin giữa người mua và người bán, người mua không tin tưởng chất lượng hàng hóa của người bán, đối với người bán hàng khi giao dịch COD thì khả năng từ chối nhận hàng cao.
"Về lâu dài, chúng ta phải giải quyết được bài toán này để tạo sức bật cho thương mại điện tử ở Việt Nam," ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại điện tử vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như hạ tầng, chất lượng vận chuyển, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi và truy xuất đơn hàng vẫn chưa phát triển đồng bộ.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2018, 40% khách hàng mua hàng trực tuyến chưa hài lòng về việc vận chuyển, giao hàng. Mặt khác, các cơ chế quản lý chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, nhất là các mô hình dựa trên công nghệ số.
Việc xuất hiện các hình thái tổ chức hoạt động kinh doanh mới chưa được điều chỉnh bởi khuôn khổ pháp lý hiện hành như Grab, Airbnb... đã đặt ra bài toán lớn cho công tác quản lý, đặc biệt đòi hỏi sự đồng bộ hóa giữa các văn bản pháp quy và sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý thuộc những lĩnh vực khác nhau.
Đặc biệt, sự tăng trưởng nóng của thị trường thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng dẫn đến hệ lụy là các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường điện tử, đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian tới, để thương mại điện tử phát triển thúc đẩy kinh tế số, theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào những mục tiêu chính gồm xây dựng kết cấu hạ tầng; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển các sản phẩm, giải pháp; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử.
Về mặt định hướng và chính sách, ngành công thương cũng ưu tiên hàng đầu với mục tiêu đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và nhanh chóng hấp thu, phát triển công nghệ; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng triển khai các công nghệ của công nghiệp lần thứ tư vào trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp; xây dựng mô hình chuyển đổi số, phát triển nhà máy số trong các ngành có tiềm năng.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia cũng tiếp tục tập trung thực hiện như nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán thương mại điện tử; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến; xây dựng giải pháp đào tạo trực tuyến về thương mại điện tử; nghiên cứu giải pháp thẻ thanh toán… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà thương mại điện tử đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện song song phát triển kinh tế số./.