Chiều 30/7, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 43, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành của địa phương trong chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học vẫn còn nhiều tồn đọng chưa được giải quyết ở một số địa phương.
Công tác quản lý nhà nước về công nhận, giải quyết chính sách cho nạn nhân chất độc da cam, nhất là trong thẩm định, giám định tại một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn để lọt đối tượng không đúng quy định hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam, gây bức xúc trong dư luận xã hội...
Bà Trương Thị Mai cho rằng việc triển khai Chỉ thị 43 đạt được ở mức cao, có khá nhiều văn bản về xây dựng chính sách. Tuy vậy, có một số vấn đề như khó khăn để xác nhận những người mắc bệnh do hậu quả chất độc hóa học. Sự quan tâm của các cấp, hội là có nhưng chưa thường xuyên.
[Đề xuất xây dựng chính sách cho nạn nhân dioxin thế hệ thứ 3]
Thời gian tới, cần hoàn thiện các chính sách còn bất cập, bắt buộc có chính sách cho thế hệ thứ 3.
Các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ quá trình đấu tranh vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Năm cuối cùng của giai đoạn 5 năm, sẽ thành lập Ban chỉ đạo để sơ kết 5 năm, sẽ có cơ chế phối hợp kiểm tra môi trường và chính sách đối với con người, sau đó có đề xuất cụ thể với Ban Bí thư.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết có 2 việc đã và đang tiếp tục được thực hiện là giải quyết hậu quả của chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người.
Bộ kiến nghị cần phân định và nhanh chóng giải quyết chế độ, chính sách cho những người chịu ảnh hưởng, tránh để người không nằm trong nhóm đối tượng lợi dụng hưởng chính sách.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ đã xây dựng kế hoạch vận động và đấu tranh ngoại giao trong nghiên cứu, khắc phục hậu quả chất độc hóa học giai đoạn 2016-2020 với chính quyền, Quốc hội, các tổ chức nghiên cứu của Mỹ, dư luận, báo chí, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ, các tổ chức quốc tế.
Bộ Ngoại giao tập trung đấu tranh để Mỹ nhận thức được và có trách nhiệm chia sẻ hậu quả chiến tranh, tranh thủ sự hợp tác quốc tế để giúp người dân đang chịu ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.
Chính quyền Mỹ đã khẳng định trợ giúp Việt Nam giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin. Từ năm 2016 đến nay, Mỹ đã tài trợ khoảng 110 triệu USD giúp Việt Nam cơ bản hoàn thành dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng với 90.000m3 đất được xử lý và 29 ha đất đã được bàn giao.../.