Giải quyết đất sản xuất cho dân: Việc cấp thiết cần chuyển đổi mạnh mẽ

Giám sát của Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho thấy công tác quản lý đất đai hiện vẫn chưa giải quyết được đồng bộ và triệt để toàn bộ diện tích đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
Bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là việc rất quan trọng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là việc rất quan trọng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Nhà nước cần tiếp tục rà soát, ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, giao đất cho người dân sản xuất gắn với chiến lược giảm nghèo bền vững.

“Khoảng tối” từ chính sách tài chính 

Ông Thành cho biết từ khi triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2003 và Nghị quyết số 30-NQ/TW năm 2014 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã cố gắng giải quyết tồn tại, vướng mắc; nâng cao hiệu quản lý và sử dụng đất đai đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như cả nước.

Tuy vậy, giám sát của Hội đồng dân tộc vừa qua cho thấy công tác quản lý đất đai hiện vẫn chưa giải quyết được đồng bộ và triệt để toàn bộ diện tích đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

['Giải phóng' đất nông lâm trường: Cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn]

Minh chứng là hiện cả nước mới thực hiện rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý được phần đất giữ lại của 252 công ty nông, lâm nghiệp với diện tích 2.018.879ha; mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất…

Về chuyển đổi xây dựng phương án sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp, một số công ty thua lỗ, hiệu quả sử dụng đất không cao nhưng chưa có phương án giải thể; việc quản lý, sử dụng quỹ đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Các công ty nông, lâm nghiệp sau rà soát, sắp xếp vẫn chưa thực sự đổi mới về mô hình tổ chức sản xuất và quản trị doanh nghiệp mà vẫn áp dụng các hình thức cho thuê đất, giao khoán, cho mượn, liên doanh liên kết.

Trong khi đó, việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý. Đến nay, tỷ lệ đất được giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất còn đạt mức thấp (chỉ khoảng 15%); phần lớn trong số này là việc hợp thức hóa các diện tích đã được người dân sử dụng từ trước đây, hoặc đất cấp mới ở xa, đất xấu không thuận lợi cho việc sản xuất…

Cùng với đó là việc quản lý tài chính đối với đất đai nông, lâm trường còn nhiều bất cập, triển khai chậm, chưa làm hết quy định chính sách.

“Việc chuyển đổi từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất của các địa phương còn chậm, có nơi giao nhiều năm nhưng không tiến hành hợp đồng thuê đất, giá thuê đất thấp (26.000 đồng/ha/năm). Có đơn vị sử dụng gần 40.000ha đất rất tốt nhưng một năm cũng chỉ nộp trên dưới 1 tỷ đồng tiền thuế đất… đã làm thất thoát nguồn ngân sách lớn của nhà nước,” ông Thành băn khoăn.

Qua thực tế giám sát nêu trên, ông Thành khẳng định chính sách tài chính là điểm mấu chốt làm cho các công ty nông, lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai; cố tình giữ lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế; để đất đai bị xâm lấn, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái pháp luật; giao khoán, phát canh thu tô...

Giải quyết đất sản xuất cho dân: Việc cấp thiết cần chuyển đổi mạnh mẽ ảnh 1Đất đai là "sinh kế" ổn định nhất để người dân chủ động phát triển sản xuất. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

"Đó cũng là lý do mà gần đây, Bộ chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp," ông Thánh nhấn mạnh.

Chuyển đổi mạnh mẽ, tạo quỹ đất cho dân

Đưa ra giải pháp cho thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội-ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng để giải quyết các tồn tại nêu trên, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện Nghị quyết số 112 của Quốc hội; trong đó tập trung sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.

Đặc biệt, Nhà nước cần thu hồi diện tích đất mà các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích bàn giao cho các địa phương để tạo quỹ đất quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; ưu tiên dành phần đất giao cho các hộ dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; nghiên cứu, bổ sung hình thức phá sản đối với các công ty nông, lâm nghiệp và giải thể, chuyển đổi mạnh mẽ đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

“Cùng với đó, chúng ta cần tập trung giải quyết việc thiếu đất cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại phương án sử dụng đất đai đồng bộ. Một số điểm có thể hình thành các điểm dân cư mới cho đồng bào định cư gắn với việc sắp xếp bố trí lại dân cư, bố trí sản xuất,” ông Thành nêu quan điểm.

Tuy vậy, ông Thành cũng lưu ý đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo, cộng đồng đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, các khoản thuế, phí đăng ký và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện đang ở mức cao. Do đó, ông Thành đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí hoặc miễn giảm để giao đất cho các đối tượng này.

[Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai để chặn đứng các sai phạm do quản lý]

Đối với những nơi mà việc sử dụng tiếng Việt của đồng bào còn hạn chế, các tài liệu về chính sách, pháp luật và hướng dẫn thực hiện thì cần được dịch sang tiếng dân tộc để người dân được tiếp cận thông tin về chính sách và các dịch vụ về đất đai.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục rà soát, ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập như tăng mức khoán bảo vệ trong thực hiện dịch môi trường rừng, thí điểm và triển khai dịch vụ phát thải khí các bon để tăng nguồn thu cho các địa phương có rừng và người dân.

Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản chính sách có liên quan để tháo gỡ những vướng mắc về quản lý trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dung đất đai, nhất là cơ chế tài chính, nâng định mức giá thuế đất, quy định chặt chẽ hơn về hạn mức được miễn giảm thuế nông nghiệp, nhất là đối với các vùng có điều kiện sản xuất hàng hóa lớn.

Với các địa phương, để quản lý tốt, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, ông Thành đề xuất phương án cần phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường với quỹ đất trong phạm vi hành chính của địa phương; việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất phải đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp và bố trí dân cư.

"Tôi đề nghị Quốc hội đưa nội dung trên vào Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội và quyết định bổ sung ngân sách thực hiện để giải quyết đồng bộ các vấn đề về đất đai, nông lâm trường; đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, cũng như thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2025: 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại," ông Thành nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục