Giải quyết khiếu nại tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ

Người đứng đầu các cơ quan hành chính phải đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đó là một tiêu chí để đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ.
Giải quyết khiếu nại tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật tiếp công dân; Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân cho lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trên cả nước đã diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực.

Số vụ việc, đơn thư và số công dân đến khiếu nại, tố cáo giảm; số vụ việc giải quyết theo thẩm quyền đạt tỷ lệ cao. Công tác tiếp công dân được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ khi thực hiện Luật tiếp công dân.

Công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài đạt được kết quả tích cực, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện tốt hơn.

Tính đến tháng 8/2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp hơn 370.000 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo; tiếp nhận hơn 234.000 đơn thư khiếu nại tố cáo, phản ánh với hơn 44.000 vụ việc thuộc thẩm quyền.

Qua giải quyết khiếu nại tố cáo, các cơ quan hành chính đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 24,8 tỷ đồng, 10,6ha đất; trả lại cho tập thể, công nhân 86,1 tỷ đồng, 20,2ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 594 người (đã xử lý 446 người), chuyển cơ quan điều tra 83 vụ, 39 người.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.787 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 4.081 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra, phát hiện 492 đơn vị vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 435 tổ chức và 462 cá nhân; xử lý hành chính 23 tổ chức và 6 cá nhân. Các cơ quan thanh tra đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện 547 kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra trách nhiệm; kiểm điểm trách nhiệm của 199 tổ chức, 171 cá nhân; đã xử lý kỷ luật hành chính đối với 42 cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế như một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ; chất lượng giải quyết khiếu nại ở một số địa phương chưa cao, còn có những sai sót trong trình tự, thủ tục, việc giải quyết chậm; công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, chất lượng còn hạn chế nên nhận thức của một bộ phận công dân chưa đầy đủ, tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn nhiều.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình chính trị-xã hội, bảo vệ quyền và lợi chính đáng của công dân.

Theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt chế độ tiếp công dân, xử lý đơn thư; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Các bộ ngành, địa phương kiện toàn tổ chức, cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người, vượt cấp; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Căn cứ vào kế hoạch, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chánh thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của công dân, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như Luật khiếu nại, luật tố cáo, luật tiếp công dân... đặc biệt, tháng 4/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35-CT/TW, thể hiện quan điểm toàn diện của Đảng về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được và chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và triển khai đồng bộ các giải pháp của Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, Nghị quyết 39/2012/QH13 của Quốc hội... để làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước phải đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ.

Các bộ, ngành, địa phương cần củng cố, kiện toàn bộ máy, năng lực của cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo từ trung ương đến địa phương; thực hiện vị trí luân phiên đối với cán bộ làm công tác tiếp dân, quán triệt phương châm: gần dân, hiểu dân, đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người vượt cấp, có biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo cũng như các trường hợp kích động, lôi kéo công dân để gây rối.

Từng địa phương phải có biện pháp không để dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện. Khi công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các cơ quan chức năng vận động, thuyết phục công dân trở về địa phương, có kế hoạch giải quyết nhanh chóng, không để kéo dài, tiếp tục khiếu kiện.

Các bộ ngành cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức; rà soát lại thủ tục hành chính, chế độ đền bù tái định cư, trong quá trình đền bù cần quan tâm đến chế độ an sinh xã hội cho người dân; tiếp tục kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; chú trọng thông tin tuyên truyền về các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực.

Các cơ quan thông tin đại chúng cần đề cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm chính xác, kịp thời, trung thực khách quan, góp phần hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tạo đồng thuận trong xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục