Giải quyết rào cản kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5

Hầu hết các sở ngành, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh xăng dầu tại khu vực phía Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5 kể từ ngày 1/1/2018.
Giải quyết rào cản kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Hầu hết các sở ngành, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh xăng dầu tại khu vực phía Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5 (gọi tắt là xăng E5), kể từ ngày 1/1/2018, đồng thời đảm bảo thực hiện lộ trình và chủ trương của Chính phủ đã đề ra.

Đây là thông tin được cho biết tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương với đại diện các sở ngành tỉnh thành khu vực phía Nam, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/12.

Đảm bảo lộ trình

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 255/TB-VPCP ngày 6/6/2017, chỉ cho phép tồn tại hai loại xăng RON 92 và E5-RON 92 đến ngày 31/12/2017. Kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất và kinh doanh xăng E5-RON 92 và xăng RON 95.

Để triển khai lộ trình này, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết trong thời gian qua, Bộ đã làm việc với các sở, ngành tại nhiều địa phương; cũng như các doanh nghiệp đầu mối để triển khai kế hoạch kinh doanh phổ biến xăng E5 ra thị trường. Tính thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đã đến thời điểm xăng RON 92 chính thức không được lưu thông trên thị trường và thay vào đó là chuyển sang kinh doanh phổ biến xăng E5.

Ông Hoàng Quốc Vương, cũng lưu ý các đơn vị, theo chủ trương của Chính phủ thì ngày 1/1/2018 là thời điểm chính thức kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5, chứ không phải là thời điểm chuẩn bị, bởi trước đó Chính phủ đã công bố lộ trình đưa xăng sinh học E5 ra thị trường đến các doanh nghiệp. Vì vậy, nếu các đơn vị đặt ra vấn đề xử lý nguồn xăng RON 92 tồn đọng như thế nào và có nhiều thách thức trong hoàn thành kế hoạch chuyển đổi kinh doanh phổ biến xăng E5 theo lộ trình của Chính phủ là không thỏa đáng.


[Video] Sẵn sàng chuyển đổi đại trà xăng RON92 bằng E5 từ 1/1/2018

Hiện nay, trên địa bàn cả nước đã có bốn tỉnh thành hoàn thành thực hiện 100% kinh doanh phổ biến xăng E5, đồng thời chưa xuất hiện những vụ việc hay khiếu nại liên quan đến việc sử dụng xăng E5. Còn ở khu vực phía Nam, chỉ có Thành phố Cần Thơ hoàn thành, còn Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu chưa thực hiện 100% kinh doanh phổ biến xăng E5 theo đúng lộ trình đã đề ra. Đây được xem là những kinh nghiệm thực tế quan trọng, cũng như nền tảng cơ sở để Bộ thực hiện triển khai đồng loạt trên cả nước.

Lý giải nguyên nhân việc thực hiện kinh doanh phổ biến xăng E5 ra thị trường, một số đơn vị cho rằng, do ảnh hưởng cơ chế giá chưa có tính khuyến khích, chưa công bố rộng rãi tiêu chuẩn chất lượng… để người dân có thể tin dùng, doanh nghiệp có động lực tham gia tích cực.

Hiện nay xăng E5 tuy sản xuất với chi phí cao nhưng giá kinh doanh chỉ chệnh lệch với xăng RON 95 rất ít, nên nhiều đơn vị quan ngại khi chuyển đổi sang kinh doanh phổ biến xăng E5 mà người dân chưa được nâng cao nhận thức sẽ có khả năng dẫn đến tình trạng xăng RON 95 tăng đột biến về sức mua.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương gặp khó khăn trong quản lý, bởi chính quyền địa phương chỉ quản lý doanh nghiệp, đại lý, chứ không quản lý và kiểm tra được trạm cấp phát của quân đội và công an, nên cần cơ chế phối hợp.

Giải quyết rào cản kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5 ảnh 2Bồn chứa nhiên liệu xăng sinh học E5. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng giám đốc Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), cho biết các đơn vị sản xuất kinh doanh đối mặt với thách thức về việc truyền thông, bởi chỉ những doanh nghiệp lớn mới đủ chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp không đủ tiềm lực cho việc giám sát, kiểm tra... nên cơ quan Nhà nước phải vào cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kiến nghị Bộ Công Thương cần có giải pháp và đồng hành cùng doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết vấn đề tồn kho xăng RON 92. Bên cạnh đó, vấn đề quan tâm nhất là đảm bảo đủ nguồn cung xăng sinh học E5 để triển khai kinh doanh phổ biến; đồng thời có kế hoạch cho khâu vận chuyển, hồ chứa, bảo quản... để hạn chế rủi ro trong việc đưa xăng E5 ra thị trường. Đặc biệt, Bộ cần tổ chức kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và công khai trên thị trường.

Sẵn sàng điều kiện kinh doanh

Hiện nay, Việt Nam có bốn nhà máy, tổng sản lượng nguồn cung xăng khoán E100 ra thị trường vượt hơn 400.000 m3/năm. Cả nước chuyển từ xăng RON 92 sang xăng 95 là 275.000 m3/năm, nên đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam là Petrolimex với tỷ lệ 40% thị phần, PVOil là hơn 20%... cũng đã chuẩn bị từ rất lâu và sẵn sàng điều kiện kinh doanh phổ biến xăng E5 theo đúng lộ trình của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch đảm bảo nguồn xăng khoán E100 dùng pha chế xăng E5, đặc biệt sử dụng nguồn cung xăng khoán E100 trong nước.

Cụ thể, Petrolimex đã chuẩn bị tổng thể hạ tầng pha chế và bố trí khu vực pha chế, cũng như chuẩn bị nguồn xăng khoán E100; với năng lực pha chế đạt 4-4,5 triệu m3 xăng E5/năm, thông qua nhiều hình thức pha chế. Hiện tại, Petrolimex đã lưu kho xăng khoán E100 là 5.800m3, đồng thời có hơn 60% địa điểm bán trên cả nước của công ty này đã chuyển đổi kinh doanh phổ biến xăng sinh hoạc E5. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành 100% chuyển đổi kinh doanh phổ biếu xăng E5.


[Đề nghị có chế tài xử phạt doanh nghiêp chậm chuyển đổi xăng E5 RON 92]

Tương tự, PVOil đã công bố sẽ đã sẵn sàng cho việc kinh doanh đại trà xăng E5 kể từ ngày 15/12, sớm hơn tiến độ do Chính phủ chỉ đạo là 15 ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, PVOIL đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho lộ trình kinh doanh đại trà xăng E5; trong đó, đảm bảo việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; nguồn cung; kế hoạch sản xuất, vận chuyển xăng E5 từ nơi pha chế đến kho trung chuyển, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc cũng như cung ứng ra thị trường.

Ghi nhận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có 534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, với hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay có công suất chứa hơn 1,23 triệu m3 (chưa kể kho của quân đội). Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố bình quân ước đạt 173.333 m3 xăng dầu/tháng, trong đó xăng E5 chiếm khoảng 8.053 m3/tháng. Mặt khác, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 33 doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý phân phối, trong đó có ba đơn vị chủ lực phối chế và cung ứng xăng E5, sản lượng ước tính sẽ đạt 166.000 m3/tháng.

Giải quyết rào cản kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5 ảnh 3Vận hành cung cấp xăng dầu tại PV Oil Nhà Bè. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến ngày 6/12, mới có 240/534 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phân phối xăng E5 (chiếm tỷ lệ 45%), sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053 m3/tháng. Để đẩy mạnh chủ trương của Chính phủ về kinh doanh phổ biến xăng sinh học E5, dự kiến từ ngày 1/1/2018, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường Thành phố phối hợp với các sở ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kinh doanh xăng E5 và RON 95; đồng thời xử lý nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc chuyển đổi xăng E5 trên địa bàn Thành phố Cần Thơ, ông Phạm Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ, cho rằng qua triển khai thực tế kinh doanh phổ biến xăng E5 cho thấy gặp khó khăn về nhận thức người dân chưa tin dùng, doanh nghiệp ngại tốn kém. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và có kế hoạch xây dựng lội trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nên đạt được hiệu quả cao. Song song với các giải pháp thúc đẩy kinh doanh phổ biến xăng E5, cần thực hiện kiểm tra, nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.