Gói tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ của Chính phủ đang được ngư dân tỉnh Khánh Hòa đón nhận với tâm thế tin tưởng.
Tuy nhiên, điều ngư dân quan tâm nhất lúc này là việc triển khai đóng tàu vỏ gỗ, sắt hay composite phù hợp với việc đánh bắt xa bờ nhưng tiết kiệm chi phí nhất.
“Kết” tàu cá vỏ thép
Chiếc tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 đóng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Nha Trang bàn giao cho ngư dân Mai Thành Văn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được nhiều ngư dân Khánh Hòa quan tâm.
Sau chuyến đi biển xa bờ đầu tiên, tàu Hoàng Anh 01 cập cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang nên ngư dân Khánh Hòa có điều kiện tìm hiểu hiệu quả đánh bắt xa bờ của con tàu này. Theo đó, ngư dân quan tâm nhất đến chi phí đóng mới tàu, hầm bảo quản hải sản, vận tốc của tàu, tiêu hao nhiên liệu, vấn đề bảo dưỡng…
Ông Huỳnh Thành và Huỳnh Văn Khanh, đồng chủ tàu vỏ gỗ KH94538, công suất trên 200CV, làm nghề lưới vây ở ngư trường Trường Sa và Nhà giàn DK1 cho biết, thiết kế như tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 đã ưng ý đến 95%, còn lại cần điều chỉnh một số thiết kế sao cho phù hợp với nghề lưới vây như thân tàu dài từ 20-22m là phù hợp nhất, cải tiến mũi và lườn tàu cao hơn.
Với hơn 10 năm sử dụng hai tàu vỏ gỗ công suất 550CV và 430CV và làm nghề câu cá nhám ở ngư trường Hoàng Sa, ông Cao Minh Đức, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa bày tỏ, đánh bắt xa bờ nói chung, nghề câu cá nhám nói riêng cần tàu công suất lớn và bền. Tàu vỏ thép đáp ứng được các tiêu chí này. Tuy nhiên, thiết kế thân tàu không nên quá dài để tàu dễ cơ động và vận hành giàn câu được thuận tiện.
Sau khi tìm hiểu kỹ các tính năng của tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01, ông Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, nhận định Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép vào thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời song cần thiết kế tàu cá vỏ thép sao cho vận tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và chi phí bảo dưỡng ít hơn.
Nhiều chuyên gia chế tạo tàu thủy cũng cho rằng, những ý kiến nêu trên của ngư dân là hoàn toàn xác đáng, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế đi biển xa bờ lâu năm.
Theo ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy, việc chuyển đổi tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, những nghi ngại về chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế của tàu cá vỏ thép, đặc biệt là việc thay đổi tư duy, tập quán đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ của ngư dân. Vì vậy, cần phối hợp với ngư dân ở nhiều địa phương để xây dựng các mẫu tàu vỏ thép theo tiêu chí vừa phù hợp với tập quán đánh bắt, vừa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, an toàn.
Trao quyền quyết định cho ngư dân
Trong giai đoạn 2015-2020, ngư dân Khánh Hòa sẽ đóng mới 32 tàu cá vỏ thép cùng nhiều tàu vỏ composite từ nguồn vốn vay ưu đãi. Như vậy, trong vài năm tới, ngư dân Khánh Hòa vẫn chưa thể thay thế toàn bộ đội tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ.
Nhằm giúp ngư dân hiểu hơn về tàu cá vỏ thép và composite so với tàu vỏ gỗ, Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang đã đưa ra so sánh về ba loại tàu này.
Ưu điểm của các tàu: vỏ gỗ dễ gia công, cách âm, chống rung tốt, chi phí đóng mới thấp và phù hợp với tập quán của ngư dân; tàu vỏ thép có độ bền cao, kín nước, dễ tạo dáng, hầm bảo quản hải sản hiện đại và có khả năng làm nhiều nhiệm vụ trên biển; tàu composite tuổi thọ đến 30 năm, chịu hà tốt, hầm bảo quản hải sản hiện đại, dễ tạo dáng.
Tuy nhiên, các tàu trên vẫn có nhược điểm như vỏ gỗ dễ bị mối, mục, hà bám, dễ bị phá nước, chi phí sửa chữa nhiều, hiệu quả bảo quản hải sản sau thu hoạch thấp; tàu vỏ thép chi phí đóng mới cao, dễ bị gỉ, hà bám, chi phí đi biển, bảo dưỡng và sửa chữa cao; tàu composite chịu va đập kém, giá thành đóng mới cao hơn tàu vỏ gỗ từ 10 đến 15%.
Từ so sánh trên cho thấy, ngư dân đóng tàu vỏ thép hoặc composite vươn khơi là phù hợp với xu thế, điều cần khắc phục là giảm chi phí đóng mới hai loại tàu này.
Theo ông Phan Tuấn Long, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy, đóng tàu công suất lớn vỏ thép hay vỏ composite sẽ hạ được giá thành nếu như sản xuất hàng loạt với những mẫu đã được thiết kế sẵn. Muốn vậy, ngư dân cần thay đổi tập quán và làm quen với việc vận hành tàu vỏ thép và composite cùng trang thiết bị hiện đại.
Trong buổi trao đổi với ngư dân Khánh Hòa vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: "Gói tín dụng lần này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho chủ tàu. Chính phủ đưa tiền cho chủ tàu chứ không đưa cho người khác, nên quyền quyết định về mẫu, nội thất, thiết bị như thế nào là hoàn toàn do chủ tàu quyết định với sự tư vấn của các công ty, Viện Chế tạo tàu thủy”./.