Chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn luôn được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, hướng đến cuộc sống no ấm hạnh phúc, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự tại địa phương.
Từ xóa đói giảm nghèo đến giảm nghèo bền vững trong những năm qua đã giúp nhiều hộ gia đình tại thành phố thoát nghèo bền vững, không tái nghèo và mới đây có địa phương không còn hộ cận nghèo ngay giữa mùa dịch COVID-19 năm 2020.
Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, một trong những giải pháp được Thành phố Hồ Chí Minh xác định là thúc đẩy ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân cùng với những chính sách hỗ trợ hiệu quả, kịp thời.
Xóa bỏ tư tưởng an phận
Những kết quả ấn tượng của Thành phố Hồ Chí Minh sau gần 20 năm triển khai chương trình giảm nghèo (từ năm 1992) có phần rất lớn trong việc khơi dậy được ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý ỷ lại, lười lao động, trông chờ vào chế độ, chính sách, chăm lo của cộng đồng xã hội.
Trong cộng đồng người Hoa ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình chị Triệu Lệ Anh, ngụ tại phường 15 gồm 4 thành viên sinh sống trên căn gác gỗ chưa đầy 30m2 trong con hẻm nhỏ là hộ nghèo “có số” được nhiều người biết đến.
Cái nghèo, cái khó đeo đuổi từ thời cha mẹ, rồi đến đời chị và không biết thế hệ thứ ba sẽ ra sau khi một đứa con trai mang bệnh tật bẩm sinh suốt đời, đứa còn lại bắt đầu công việc chạy xe máy giao hàng.
Gần 20 năm qua, chị Lệ Anh nuôi 2 con nhỏ, chăm lo cho chồng bị bệnh ung thư cùng với mẹ chồng bệnh tật già yếu ở tầng trệt.
“Cũng may, được chính quyền địa phương tặng học bổng cho đứa nhỏ đi học đến hết cao đẳng; tặng bảo hiểm y tế, tiền thuốc men cho chồng điều trị; thậm chí mái nhà mục nát, căn gác bị mối mọt cũng được phường và các đoàn thể sửa chữa, thay mới, gia đình tôi vượt qua sóng gió," chị Triệu Lệ Anh chia sẻ.
Trong hoàn cảnh đó, dù có siêng năng chị cũng chỉ làm được những việc lặt vặt quanh quẩn trong xóm nhỏ để có thể trông nom gia đình.
Chị Triệu Lệ Anh cho biết: "Ai nhờ gì tôi cũng làm, từ giúp việc nhà, nấu cơm, giặt quần áo, đổ rác, thậm chí tranh thủ nhặt ve chai, giao hàng, chạy xe ôm khi nuôi chồng trong bệnh viện..."
Sau gần 20 năm, cuộc sống gia đình chị Triệu Lệ Anh đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, giai đoạn 2019-2020, được sự quan tâm hỗ trợ tận tình của chính quyền, các đoàn thể, mạnh thường quân cùng với nỗ lực của bản thân, gia đình chị đã thoát khỏi cận nghèo theo tiêu chí của thành phố với thu nhập trên 36 triệu đồng/người/năm.
[Cả nước chung tay vì người nghèo: Không để ai bị bỏ lại phía sau]
Chị Triệu Lệ Anh cho biết sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong suốt thời gian qua đã tạo động lực cho gia đình phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
"Tình cảm đó tôi không thể quên, chỉ mong có được sức khỏe tốt để tiếp tục chăm lo gia đình, tham các hoạt động, phong trào tại địa phương; cùng với chính quyền tuyên truyền, vận động trong cộng đồng thực hiện hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng phố phương an ninh, trật tự, văn minh, nghĩa tình," chị Triệu Lệ Anh tâm sự.
Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Thanh Hóa ngụ tại phường 8 (quận 6) bước vào cảnh khó khăn khi người chồng lâm bệnh nặng. Một mình chị "gồng gánh" chăm chồng và nuôi 3 con khiến cho hoàn cảnh gia đình đã khó lại thêm khó khăn hơn.
Đến năm 2014, người chồng ra đi, để lại 4 mẹ con tiếp tục bám víu vào chiếc máy may kiếm bữa ăn hằng ngày. Việc nuôi và cho 3 con tiếp tục đến trường thật sự gian nan với chị.
“Trong lúc khó khăn nhất thì chính quyền địa phương, khu phố hỗ trợ, giới thiệu mạnh thường quân tặng học bổng giúp các cháu tiếp tục đến trường. Cũng trong thời điểm này, Đoàn thanh niên quận 6 đã hỗ trợ tôi 42 triệu đồng để xây nhà tình thương," chị Hóa kể.
Xác định chỉ có học tốt mới mong thoát nghèo bền vững, chị Phạm Thị Thanh Hóa đã dành hết tâm huyết, công sức lao động, cùng với hỗ trợ của chính quyền và các mạnh thường quân đã chăm lo, dạy dỗ các con chăm ngoan, học hành thật tốt với hy vọng sau này dễ tìm được việc làm hơn.
Chị Hóa cũng đã nhận thêm việc đưa đón một số trẻ trong khu phố đến trường, cùng với việc may gia công, từng bước giúp cuộc sống gia đình 4 mẹ con dần ổn định.
Thành quả sau những năm tháng nỗ lực, đến nay con gái lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và đang làm tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, với thu nhập ổn định, phụ giúp mẹ nuôi 2 em vào ngưỡng cửa đại học.
Gia đình chị Hóa thấy khả năng tự lo cho nhau được nên đã chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo giai đoạn 2019-2020.
Thông qua nhiều chương trình, hoạt động khác nhau, người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; biết tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm...
Đặc biệt, họ biết học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn. Đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững của thành phố.
Chung tay của cộng đồng
Trong quá trình làm công tác xóa đói giảm nghèo, cùng với các nguồn lực của Nhà nước, nhiều địa phương, đơn vị đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong hệ thống chính trị, vận động thêm từ các nguồn lực bên ngoài cùng chung tay chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo Ban giảm nghèo bền vững thành phố, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố cùng cộng đồng toàn xã hội tham gia.
Thông qua chương trình, các Tổ tự quản, ấp, khu phố, phường xã thị trấn, quận huyện và thành phố huy động được khoảng 21.500 tỷ đồng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chỉ riêng giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, thành phố đã huy động gần 11.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững. Qua đó, đã có hơn 62.000 hộ nghèo, hơn 20.000 hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo góp phần hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 2 năm.
Ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5 cho biết qua phát động nhiều tổ chức, cá nhân, không phân biệt thành phần, dân tộc trên địa bàn quận đã cùng tham gia ủng hộ người nghèo, tích cực chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ doanh nghiệp mà các Hội đoàn, Hội quán, đền thờ Họ tộc của đồng bào người Hoa như: Hội quán Ôn Lăng, Tuệ Thành, Nhị Phủ, Nghĩa An, Phước An… cũng đã định kỳ hỗ trợ, tài trợ đột xuất; nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân tham gia hỗ trợ thường xuyên… nhưng phần lớn đều không cho biết tên.
Tại quận 3, cùng với chính quyền, hội, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn có 7 cơ sở tôn giáo tham gia và nhận hỗ trợ 13 hộ nghèo, cận nghèo diện bảo trợ xã hội theo mô hình “Cơ sở tôn giáo gắn với hộ nghèo."
Chương trình giảm nghèo luôn được chú trọng và gắn với việc nâng cao công tác vận động, chăm lo người nghèo, các hoạt động an sinh xã hội. Riêng giáo xứ Tân Định đã nhận chăm lo 7 hộ nghèo, hầu hết là người gia, người tàn tật, không còn khả năng lao động.
Theo ông Nguyễn Hoài Lộc, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Tân Định, hàng tháng mỗi hộ sẽ được trao 10kg gạo và 200.000 đồng. Ngoài ra, các hộ này còn được nhận quà tương đương hoặc gấp đôi nhân ngày lễ phục sinh, giáng sinh, Tết Nguyên đán hay trong những trường hợp đặc biệt như đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Ông Nguyễn Hoài Lộc, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Tân Định, cho biết toàn bộ kinh phí này đều do đồng bào giáo dân đóng góp để hỗ trợ người già, hộ nghèo. Đây cũng chính là việc làm thiết thân với cơ sở tôn giáo, là trách nhiệm của Hội đồng, của mỗi giáo dân trong việc thực hiện những điều thiện lành, chia sẻ với những người gặp khó khăn nhằm mang lại niềm vui, sự an lành cho mọi người, trong đó có cộng đồng giáo xứ Tân Định.
Tương tự, ông Hồng Thế Chân, Phó trưởng ban thường trực Hội quán Ôn Lăng cùng các Hội đoàn, Hội quán của đồng bào người Hoa khẳng định chủ trương quan tâm chăm lo người nghèo, hộ cận nghèo không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện an sinh xã hội mà còn có ý nghĩa nhân văn, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, đồng thời giúp người có điều kiện thực hành công tác xã hội, trải lòng với những người nghèo khó xung quanh.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ việc đồng thuận, thống nhất cùng hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn và theo nhu cầu của khu vực, hộ gia đình. Vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, các cấp ngành đồng lòng vào cuộc cùng tham gia; đồng thời tuyên truyền giới thiệu các mô hình hỗ trợ gia đình người nghèo thoát nghèo, lan tỏa các mô hình hay, hiệu quả; nhân rộng các hoạt động tích cực của các tổ chức, địa phương thành công trong việc tham gia, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thành công chung trong chương trình giảm nghèo bền vững thành phố cho thấy, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của hệ thống chính trị, mạnh thường quân, phải phát huy nội lực, khơi dậy ý chí thoát nghèo của những người nghèo.
Chính vì vậy, các tổ giảm nghèo, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tìm hiểu, động viên, khơi dậy ý chí lao động gắn với từng điều kiện hoàn cảnh, khả năng phù hợp của hộ nghèo, qua đó không để hộ nghèo ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của Nhà nước mà phải tự vươn lên thoát nghèo.
“Thành công nhất của chương trình giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh là khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, hộ nghèo; có sự chung tay của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo, khơi sức dân để lo cho dân," ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định./.