Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong năm 2021, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoàn thành chương trình, kế hoạch giám sát đã đề ra.
Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội dự kiến những nội dung của các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022 để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; làm cơ sở để ban hành Kế hoạch triển khai, tạo sự thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện.
[Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội]
Trong đó, việc triển khai giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có một số điểm đổi mới so với thông lệ trước đây.
Lần đầu tiên, các đoàn giám sát có mời thêm sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan có liên quan, các chuyên gia và đặc biệt là sử dụng tối đa các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Các đoàn giám sát ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của đoàn giám sát.
Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở...
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép đổi mới trong ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội là không ban hành kèm theo kế hoạch giám sát, chỉ đưa một số nội dung chính như phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo... vào Nghị quyết, đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho đoàn giám sát trước khi trưởng đoàn giám sát ký ban hành đã mang lại kết quả tích cực, là bài học kinh nghiệm quý cho việc xây dựng và triển khai các đoàn giám sát chuyên đề những năm tiếp theo.
Về dự kiến, Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) kiến nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra giám sát, đồng thời sớm nghiên cứu ban hành đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục giao cho các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố triển khai các cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương. Tuy nhiên, việc giao cho đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố giám sát cùng một nội dung cần cân nhắc kỹ theo hướng giao đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì giám sát và thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố phối hợp giám sát. Đề cương giám sát cần xây dựng khoa học, tránh trùng lặp nội dung báo cáo, có đề cương báo cáo cho trung ương, địa phương riêng.
Một số đại biểu đề nghị đưa chuyên đề Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để Quốc hội giám sát tối cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích hai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 88/2014/QH13 được Quốc hội ban hành cách đây gần 8 năm, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ban hành cách đây gần 5 năm. Theo lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 thì sau 2 năm nữa (năm học 2024-2025) sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ các cấp học phổ thông.
Việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết này, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng trong 8 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai như vấn đề giá sách giáo khoa, hay vấn đề đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, đặt ra tại Kỳ họp này là việc sắp xếp môn Lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học phổ thông.
Đại biểu nhấn mạnh có những vấn đề báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết như những sai sót trong cả ba bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam...
"Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết. Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành Giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua giám sát, Quốc hội cũng có thể điều chỉnh các Nghị quyết của mình hoặc bổ sung chính sách, nếu cần thiết. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông rất cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội," đại biểu nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng cho rằng, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát; tiếp tục đổi mới, giám sát “đúng” và “trúng,” chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngoài ra, tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn.../.