Giám sát, phản biện để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân

Trong nhiệm kỳ VIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp triển khai hiệu quả 12 chương trình giám sát ở Trung ương, đồng thời Mặt trận các cấp giám sát gần 493.000 cuộc ở cấp tỉnh, huyện, xã.
Giám sát, phản biện để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước với các đại biểu dự lễ khai mạc. (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Măt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Cần Thơ diễn ra tháng 1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội phải phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa.”

Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.

Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.”

Theo đúng chức năng, trong nhiệm kỳ VIII, công tác giám sát và phản biện xã hội đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng thời hướng tới phát huy hơn nữa nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc khẳng định bước phát triển mới ở nhiệm kỳ mới trong mặt công tác quan trọng này.

Đa dạng các phương thức giám sát, phản biện xã hội

Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp triển khai hiệu quả 12 chương trình giám sát ở Trung ương, đồng thời Ủy ban Mặt trận các cấp đã tích cực, chủ động lựa chọn những những vấn đề nhân dân quan tâm, những bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát, với 4.093 cuộc ở cấp tỉnh, 22.679 cuộc ở cấp huyện và 466.012 cuộc ở cấp xã.

Thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,” Ban Thanh tra nhân dân trong cả nước đã thực hiện 189.461 cuộc giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện 173.929 cuộc giám sát, mang lại hiệu quả hết sức thiết thực.

Cùng với các hoạt động giám sát, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức thành viên đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động phản biện xã hội, tập trung vào các văn bản pháp luật, các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các địa phương.

Chất lượng phản biện của Mặt trận ngày càng được nâng cao, ghi nhận sự tiếp thu và phản hồi tích cực từ các cơ quan soạn thảo.

Trong nhiệm kỳ, Mặt trận các cấp ở địa phương đã chủ trì phản biện 86.872 cuộc, trong đó cấp tỉnh 4.059 cuộc, cấp huyện 15.166 cuộc, cấp xã 69.710 cuộc.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia nhiều đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ… trên các lĩnh vực đời sống xã hội, các hoạt động liên quan tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân như việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc ít người; việc quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh; việc thi hành án dân sự, hình sự; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân; công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát, khảo sát việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số; khảo sát về việc dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; giám sát, khảo sát việc tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia khám, chữa bệnh; hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo…

Trong nhiệm kỳ 2014-2019, mặc dù hiệu quả của các chương trình phối hợp giám sát chưa nhiều nhưng những chương trình, vụ việc được giám sát đã thể hiện được dấu ấn rõ nét của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Các chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương nổi bật có thể kể đến như giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong lĩnh vực thuế và hải quan; triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...

Nhằm đa dạng các hình thức giám sát, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tiến hành các cuộc giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân...

Bên cạnh công tác giám sát, hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

[Tăng cường vai trò của Mặt trận trong xây dựng Đảng, chính quyền]

Mặt trận tích cực tham gia phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản pháp luật quan trọng như các dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật về hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Giáo dục sửa đổi…

Giám sát, phản biện để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trình bày tham luận Hoạt động giám sát và phản biện xã hội tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Sau 5 năm, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dần đi vào nền nếp, bước đầu “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm,” đến nay, việc thực hiện các chương trình giám sát đã đi vào thực chất, hiệu quả thông qua việc tập trung lựa chọn những vấn đề nhân dân đang quan tâm, bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Nam Định trong việc thực hiện công tác giám sát của Mặt trận.

“Một khi "dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra” thì họ sẽ tự nguyện làm cánh tay nối dài cho Mặt trận. Và khi giám sát trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi nơi thì dân chủ sẽ được phát huy.

Chỉ có dân thông qua Mặt trận thực hiện tốt việc giám sát như một kênh thông tin quan trọng giúp Đảng và Nhà nước thì công tác chống tham nhũng mới thực sự hiệu quả,” ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn, nhấn mạnh.

Ông Thành cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát của Mặt trận, trong các cuộc họp giải quyết đơn thư của nhân dân địa phương hay các buổi tư vấn, đối thoại trực tiếp của chính quyền với nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thị trấn đều có đại diện tham gia dự và đưa ra chính kiến.

“Nếu như trong quá trình giám sát, việc giải quyết theo đúng quy trình, trình tự của pháp luật thì chúng tôi không có ý kiến phản biện xã hội. Tuy nhiên, khi có những vấn đề kiến nghị của nhân dân còn chưa được thỏa đáng hoặc là bà con vẫn chưa hiểu thì trách nhiệm của chúng tôi là tiếp tục vận động để nhân dân hiểu và thực hiện nghĩa vụ công dân của mình,” ông Thành khẳng định.

Theo ông Lê Quang Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát trong nhiệm kỳ mới, việc lựa chọn các vấn đề giám sát cần thật sự liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, khiến nhân dân bức xúc.

Bên cạnh đó, cần trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm giám sát; hàng năm tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn cho cán bộ mặt trận để đội ngũ này có đủ năng lực tiến hành giám sát.

Đẩy mạnh phân cấp trong công tác giám sát và phản biện xã hội

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh khẳng định, Mặt trận luôn coi công tác giám sát, phản biện xã hội là nội dung quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Chính vì vậy, trong Nghị quyết trình Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã xác định năm chương trình trọng tâm, trong đó có một chuyên đề về giám sát và phản biện xã hội.

Theo ông Hầu A Lềnh, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tiếp tục hoàn thiện công tác giám sát, phản biện xã hội về mặt thể chế và quy trình.

Đồng thời, Mặt trận phải có đội ngũ cán bộ được bố trí, sắp xếp và được đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu; tăng cường phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và các ban tư vấn ở cấp huyện; lựa chọn những thành viên thực sự có tâm huyết, uy tín, trách nhiệm, có kiến thức để vào các hội đồng, ban tư vấn để hỗ trợ cho Mặt trận các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng công tác giám sát trong nhiệm kỳ mới cần tập trung hơn vào việc lựa chọn những nội dung, vụ việc được người dân quan tâm, đồng thời chia thành hai loại: giám sát thường xuyên và giám sát đột xuất.

“Như vậy chúng ta sẽ bao quát được hết các nội dung ở các địa phương. Chúng tôi cũng tính đến trong nội dung của giám sát, phản biện xã hội sẽ đẩy mạnh phân cấp cho cấp địa phương để tăng sự giám sát ở cấp địa phương với số lượng nhiều lên và phủ rộng hơn ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mới mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương vừa giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” - ông Hầu A Lềnh khẳng định.

Để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, đáp ứng những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ tới phải tự đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, xác định rõ mục tiêu, chương trình hành động, giải pháp cụ thể để thực hiện sứ mệnh cao cả xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh là một trong 5 nội dung lớn, trọng tâm được Mặt trận các cấp xác định cần thực hiện tốt trong nhiệm kỳ mới.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp; tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của nhân dân tham gia các dự thảo văn kiện và sáng kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vào dịp Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ tích cực vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đề xuất xây dựng các quy định pháp luật và cơ chế để thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Đồng thời, Mặt trận phối hợp tổ chức, vận động cử tri, nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp hoàn thiện các quy định pháp luật, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò của Mặt trận trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tham gia xây dựng pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; góp phần nâng cao ý thức pháp luật, không vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Mặt trận cũng sẽ tham gia giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia xử lý và giám sát quá trình các cơ quan chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, hoạt động hòa giải ở cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục