Sáng 4/5, tại Hà Nội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đã làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết từ năm 2011-2016, Nhà nước đã ban hành một số chính sách để phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản như hỗ trợ vay vốn tín dụng để đóng mới tàu cá khai thác xa bờ; hỗ trợ chi phí nhiên liệu... Các chính sách này đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai kịp thời, mang lại hiệu quả cao và phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, mở rộng quy mô nuôi trồng thủy hải sản.
Trên cơ sở đó, ngành thủy sản đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt trong giai đoạn 2011-2016, sản lượng tăng bình quân 4% (từ 5,41 triệu tấn năm 2011 lên 6,72 triệu tấn năm 2016). Cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác ở vùng biển ven bờ, tăng dần loại tàu có công suất lớn, vươn khơi xa.
Bên cạnh đó, chế biến thủy sản tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2016. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản không ngừng tăng nhanh và đã có bước phát triển về chất lượng.
Về kết quả một số chính sách hỗ trợ ngư dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ tính đến ngày 31/12/2016, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp 1.903 tàu. Các ngân hàng thương mại đã nhận được 1.089 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu và đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 894 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 8.776 tỷ đồng. Hiện đã có 619 tàu cá đóng mới, nâng cấp, đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao, an toàn.
"Các chính sách về phát triển thủy sản đã góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển xa bờ theo mô hình tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá và giảm áp lực khai thác vùng biển ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần tích cực giữ vững an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công tác quán triệt, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh có nơi còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ, chưa sát với tình hình thực tế. Cơ cấu ngành, nghề thủy sản chưa hợp lý, tình hình vi phạm các quy định về khai thác thủy sản diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân của tình trạng này là nhận thức của cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong việc phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững còn hạn chế. Các chính sách phát triển thủy sản ban hành đồng bộ, tuy nhiên các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai thực hiện chính sách vay vốn tín dụng để đóng mới tàu cá, chưa quan tâm thực hiện các chính sách khác như bảo hiểm, đào tạo, cho vay vốn lưu động, hỗ trợ các dịch vụ hậu cần nghề cá, chính sách đầu tư.
Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các cơ quan hành chính với người dân và lực lượng vũ trang nói chung chưa thường xuyên, chặt chẽ...
Để ngành thủy sản tiếp tục phát triển trong thời gian tới, phát huy được vai trò trong nền kinh tế cũng như trong việc phối hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị tiếp tục triển khai sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; xem xét, sớm thông qua dự án Luật Thủy sản (sửa đổi); đồng thời tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ, tập trung ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện để nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, xây dựng các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm.
Tại phiên làm việc, các đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ một số nội dung như hiệu quả đầu tư một số công trình neo đậu tránh bão cũng như việc đóng tàu sắt; giải pháp và lộ trình thu hút các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến ở trong và ngoài nước trong quá trình nuôi trồng thủy sản...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc tái cơ cấu nghề khai thác đánh bắt theo hướng bền vững, hiện đại, chuỗi giá trị là cần thiết và việc đóng tàu sắt là một trong những định hướng vì tàu sắt bền hơn, khỏe hơn, đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả khai thác cũng như thực hiện được nhiệm vụ an ninh quốc phòng trên biển. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận hiện tượng tàu bị va đập khi vào bến neo đậu tránh trú bão là đúng và cho rằng vấn đề này phải được khắc phục nhưng cần có thời gian và kinh phí.
[Tàu hải quân Thái Lan bắn 3 tàu cá Việt Nam, 1 lái tàu mất tích]
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh sau Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển, cả nước đã dành sự quan tâm, đầu tư rất lớn cho vấn đề biển. Lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư ngày càng được hiện đại hóa. Việc tái cơ cấu ngành thủy sản, tăng đầu tư đánh bắt xa bờ được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
Khẳng định mỗi người dân là một người lính, mỗi tàu cá là một điểm tựa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản của ngư dân gắn bó mật thiết với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh. Lực lượng chức năng bảo vệ môi trường biển, bảo vệ ngư trường để bà con yên tâm sản xuất. Ngược lại, bà con cũng là nguồn cung cấp thông tin để lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư… nắm được tình hình trên biển.
Qua thực tế và ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị Chính phủ cần tập trung xử lý một số vấn đề lớn. Cụ thể, nhiều đảo có thế mạnh về quốc phòng an ninh gắn với kinh tế biển nhưng chưa được quan tâm đúng mức; cần tập trung đầu tư cho những đảo này để bà con yên tâm sản xuất, từ đó phát triển ngành thủy sản.
Ngoài ra, biển ngày càng ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nhưng việc xử lý, khắc phục vấn đề này còn yếu; cần đề ra biện pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, cách tổ chức đánh bắt xa bờ còn nhiều bất cập; dịch vụ nghề cá còn nhỏ lẻ; dịch vụ cảng cá không đồng bộ, quy hoạch nuôi trồng thủy sản chưa bài bản; hiệu quả chế biến xuất nhập khẩu còn thấp. Những vấn đề này phải phân tích sâu hơn, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để vừa phát triển thủy sản, vừa đảm bảo môi trường./.