Giáo dục nghề nghiệp mở: Đáp ứng sự thay đổi việc làm thời 4.0

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt sẽ khuyến khích người lao động học hỏi kiến thức, kỹ năng để vượt những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt sẽ khuyến khích người lao động học hỏi kiến thức, kỹ năng để vượt những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

[Đào tạo nghề chuyển hướng cạnh tranh bằng hợp tác quốc tế]

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mở, linh hoạt tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững” do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam-GIZ tổ chức ngày 3/10 tại Hà Nội.

Tạo ra nhiều hình thức dạy nghề

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sự phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế-xã hội đòi hỏi con người phải học tập suốt đời.

“Phát triển giáo dục mở tạo ra nhiều hình thức giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người trong xã hội nhất là cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn đối với người lao động để thích ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ và sự thay đổi của thị trường,” bà Trần Thị Tâm Đan nói.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.” Mặc dù có nhiều cách hiểu, định nghĩa khác nhau về khái niệm giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, nhưng đặc trưng chủ yếu là mở về tư duy đào tạo nghề nghiệp, địa điểm, đối tượng, thời gian, chương trình, phương pháp…

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Các loại hình đào tạo đa dạng sẽ đáp ứng nhu cầu của người học và khuyến khích họ tiếp nhận những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

“Việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo sẽ tăng cơ hội học nghề và việc làm cho các nhóm dân số khác nhau, thúc đẩy học tập suốt đời, đặc biệt là những người không có điều kiện sử dụng các cách thức đào tạo truyền thống,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định.

Phù hợp nhu cầu thị trường

Theo các chuyên gia, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển nguồn nhân lực, gắn giáo dục nghề nghiệp với sự dịch chuyển mau lẹ của thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nhân lực.

Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở sẽ tạo ra nhiều hình thức đào tạo cho người học tự lựa chọn. (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm và mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhằm cải cách và thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường việc làm. Mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở là rỡ bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) cho rằng, quyền tự chủ là điều kiện tiên quyết của giáo dục mở. Trong nền giáo dục mở, cẩn có cơ chế quản lý phù hợp; tách biệt quả lý nhà nước và quản lý sự nghiệp, chuyên môn; coi trọng quản lý đầu ra hơn quản lý đầu vào.

Theo ông Hoàng Minh Phương, hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục mềm dẻo, linh hoạt. Để xây dựng giáo dục nghề nghiệp thành một hệ thống mở cần có những điều kiện như: Tăng cường từ chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới quản lý, huy động nguồn tài chính...

Dưới góc độ quản lý về lĩnh vực việc làm bà Lê Kim Dung, Cục trưởng cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để vận hành thông suốt và đồng bộ các thị trường, phát triển các yếu tố của thị trường lao động phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục