Giáo hội Phật giáo khuyến khích người dân mừng Phật đản tại gia

Do đại dịch COVID-19, năm nay là năm thứ hai liên tiếp, lễ Phật đản được tổ chức với quy mô nhỏ gọn, đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch. Người dân theo dõi đại lễ qua mạng xã hội.
Người dân thành kính tắm Phật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hàng năm cứ vào tháng Tư, người dân Việt Nam cùng tín đồ Phật tử trên khắp thế giới lại hân hoan đón mừng mùa Phật đản.  

Do đại dịch COVID-19 hoành hành, 2021 là năm thứ hai liên tiếp, lễ Phật đản tại Việt Nam được tổ chức với quy mô nhỏ gọn, đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.

Tổ chức Đại lễ trong mùa dịch thế nào?

Hiện nay, các di tích đền chùa, nơi thờ tự trên địa bàn Hà Nội đều đang đóng cửa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước nắm sát tình hình địa phương với tinh thần chống dịch cao nhất.

Mùa Phật đản năm nay trùng với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và Giáo hội như cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm ngày thành lập Giáo hội…

Nghi lễ tắm Phật trang nghiêm, thành kính trong lễ Phật đản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thông điệp đại lễ Phật đản Phật lịch 2565, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhắn nhủ: “Trong thế giới biến động ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng về dịch bệnh, về môi trường, biến đổi khí hậu, và xung đột ở khắp nơi trên thế giới. Hơn bao giờ hết, nhân loại cần đoàn kết để vượt qua những thách thức, khủng hoảng này.”

[Nhiều người tham gia 'tắm Phật online' trên mạng xã hội Butta]

Hòa thượng khẳng định rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng ni, Phật tử sẽ tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội,” phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân cũng như các Phật tử.

Thượng tọa Thích Nguyên Chính, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay Giáo hội đã quyết định chỉ tổ chức Đại lễ ở trong nội bộ với quy mô dưới 10 người tham gia.

Các nghi thức Phật giáo kính mừng ngày Phật đản vẫn được thực hiện đầy đủ và trang trọng. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình An Viên và mạng xã hội Butta để các phật tử, người dân theo dõi.

Người dân nên hành lễ tại nhà

Chia sẻ với Báo VietnamPlus, Thượng tọa Thích Minh Quang, phó trụ trì chùa Tam Chúc và Bái Đính, cho rằng ý nghĩa của việc tổ chức lễ Phật đản là tưởng nhớ ngày Đức Phật đản sinh, tán thán công đức, hoằng dương trí tuệ và tư tưởng Đức Phật. Ngoài ra, nghi lễ còn nhằm cầu quốc thái, dân an, đẩy lui dịch bệnh.

Thượng tọa Thích Minh Quang, phó trụ trì chùa Tam Chúc và Bái Đính, khuyến khích người dân thực hiện nghi lễ tại nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tăng ni Phật tử chùa Tam Chúc, Bái Đính đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng chống dịch do Nhà nước ban hành. Chúng tôi đã tổ chức lễ Phật đản từ ngày mùng 6 và mùng 8 Âm lịch và có ghi hình để phát sóng trên các kênh truyền thông của chùa cho đông đảo Phật tử được biết,” Thượng tọa chia sẻ.

Theo ông, dù không có điều kiện đến chùa để chiêm bái Đức Phật, người dân vẫn có thể thực hiện nghi lễ Phật đản tại nhà.

“Phật tử sửa soạn ban thờ sạch sẽ, dâng lên hương hoa, tụng kinh tại nhà. Ai có điều kiện thì thực hiện tắm Phật, nếu không thì thắp hương, tụng kinh Chuyển pháp luân, sám Phật đản, ngoài ra có thể tham gia hoạt động Tắm Phật online trên mạng xã hội Butta để gây quỹ chống dịch COVID-19,” Thượng tọa Thích Minh Quang nói.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của Phật tử, Thượng tọa hướng dẫn có thể chuẩn bị chậu nước thơm để các thành viên trong gia đình lần lượt cùng tắm cho tôn tượng Đức Phật sơ sinh, nguyện rằng:

“Con nay tắm gội Đức Như Lai
Cầu nguyện bình an đến vạn loài
Dịch bệnh, thiên tai xin ngừng dứt
Nơi nơi, chốn chốn được bình an.”

“Đầu tiên, ta dội một gáo nước từ vai trái tôn tượng xuống, sau đó là vai phải, cuối cùng là dội vào trước ngực hoặc sau lưng. Điều này tượng trưng cho tam thế của Đức Phật – quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng có thể coi như là gột rửa ba nghiệp – thân, khẩu, ý của mình (nghiệp tạo ra từ hành động, lời nói và ý nghĩ),” Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết.

Năm nay, lễ Phật đản được Giáo hội tổ chức tại chùa Quán Sứ vào ngày 26/5, phát trực tiếp trên các kênh truyền thông của Giáo hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông cũng cho rằng khi thực hành nghi lễ tắm Phật hay cúng Phật, điều quan trọng nhất là người dân gột rửa thân tâm, thành kính hướng Phật, sửa mình, chú trọng làm việc tốt./.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được sinh ra vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 Âm lịch (theo lý giải của phái Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha, nay là Nepal.

Nghi lễ tắm Phật có nguồn gốc từ sự kiện Đức Phật đản sinh. Phật sử ghi lại rằng, khi hoàng hậu Mada đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.

Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hàng ngày.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục