Giao lưu văn hóa-thương mại giữa Đồng Tháp và địa phương của Đài Loan

Ngày 29/4, tại thành phố Cao Lãnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình họp mặt giao lưu văn hóa-thương mại-du lịch giữa tỉnh Đồng Tháp và huyện Tân Trúc (Đài Loan, Trung Quốc).
Giao lưu văn hóa-thương mại giữa Đồng Tháp và địa phương của Đài Loan ảnh 1Giao lưu văn hóa-thương mại-du lịch giữa tỉnh Đồng Tháp và huyện Tân Trúc (Đài Loan). (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Ngày 29/4, tại thành phố Cao Lãnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình họp mặt giao lưu văn hóa-thương mại-du lịch giữa tỉnh Đồng Tháp và huyện Tân Trúc (Đài Loan, Trung Quốc).

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, với diện tích trên 3.200km2, gần 1,7 triệu dân, Đồng Tháp có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và thương mại-dịch vụ-du lịch. Ngoài ra, tỉnh còn mang nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều điểm văn hóa thu hút đông đảo khách tham quan, như Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim (Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới), Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quýt, lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc...

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế-xã hội, phát triển năm ngành hàng chủ lực (lúa-gạo, xoài, vịt, hoa kiểng, cá tra), những năm qua, Đồng Tháp còn quan tâm đến việc xây dựng chính quyền thân thiện, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Bằng chứng là 10 năm liên tục, tỉnh luôn nằm trong tốp 5 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); trong đó luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR), chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ITC),...

Nói về mối liên kết giữa hai địa phương, ông Bửu cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 200 sinh viên Đồng Tháp đang theo học Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân (huyện Tân Trúc). Trong năm 2018, Đồng Tháp sẽ tiếp tục đưa 160 sinh viên sang địa phương này để học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, đây cũng là một thị trường xuất khẩu lao động lớn của Đồng Tháp.

Giao lưu văn hóa-thương mại giữa Đồng Tháp và địa phương của Đài Loan ảnh 2Trưng bày không gian vă hóa truyền thống huyện Tân Trúc (Đài Loan) tại Khu di tích Gò Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Ông Khưu Kính Thuần, Thị trưởng huyện Tân Trúc, cho biết là một địa phương có sự đa dạng văn hóa, lãnh đạo huyện mong muốn thúc đẩy giao lưu văn hóa với các địa phương trong khu vực để tạo thêm mối quan hệ gắn bó, mật thiết, lâu dài ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế...

Từ địa phương thuần nông nghiệp lạc hậu, Tân Trúc đang trên đà phát triển trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Đài Loan. Vì vậy, nhận thấy tiềm năng của Đồng Tháp về các giá trị nông sản, phía lãnh đạo huyện Tân Trúc mong muốn thông qua cuộc gặp gỡ này, chính quyền hai bên sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp được hợp tác kinh tế. Đồng thời, hai bên sẽ có điều kiện học tập lẫn nhau về các mô hình hiệu quả, nâng cao đời sống người dân.

Trong khuôn khổ giao lưu, từ ngày 29/4-1/5, có 40 gian hàng-không gian giới thiệu hoạt động văn hóa truyền thống của huyện Tân Trúc sẽ được trưng bày song hành với các sản phẩm của Đồng Tháp tại Khu di tích Gò Tháp, khu di tích đặc biệt cấp quốc gia thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.