Việc Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là “bước tiến lớn” hướng tới việc xây dựng cơ chế chống tham nhũng hiệu quả ở Việt Nam.
Trên đây là khẳng định của Giáo sư Hirofumi Takada, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo về vấn đề này.
Giáo sư Takada cho biết: “Qua tìm hiểu từ báo chí và các văn bản luật liên quan, tôi được biết Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản và thu nhập của các quan chức để ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Tôi cho rằng đó là một bước tiến rất lớn hướng tới việc có được cơ chế chống tham nhũng trong hệ thống của Chính phủ Việt Nam.”
[Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập]
Giáo sư nhấn mạnh việc thiết lập và đưa vào thực thi hệ thống này là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để các quan chức hiểu được mục tiêu và sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống này.
Theo ông, nếu các quan chức không hiểu rõ về mục tiêu và sự cần thiết của hệ thống này và sau đó, hệ thống này được thực thi rất nghiêm ngặt, điều đó có thể dẫn đến các hành vi không minh bạch của các quan chức liên quan tới thu nhập bất hợp pháp.
Vì vậy, mỗi quan chức cần hiểu rõ vì sao chính phủ lại muốn thiết lập hệ thống quản lý tài sản và thu nhập của quan chức và sau đó, họ sẽ tự động hạn chế có các hành vi sai trái hoặc làm trái pháp luật.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề kiểm soát tài sản và thu nhập, Giáo sư Takada cho biết trước năm 2000, Nhật Bản không có bất kỳ quy định nào yêu cầu những người có chức vụ, quyền hạn phải báo cáo về thu nhập và tài sản.
Chỉ có những người được bầu như nghị sỹ Quốc hội mới phải làm báo cáo thu nhập.
Tuy nhiên, sau một số vụ vi phạm pháp luật khá nghiêm trọng của các quan chức cấp cao trong chính phủ xảy ra vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, vấn đề xây dựng luật về đạo đức công vụ đã được đặt ra.
Sau một quá trình thảo luận chi tiết, Luật Đạo đức công vụ quốc gia đã được ban hành năm 1999 và thực thi từ năm 2000, trong đó quy định nghĩa vụ báo cáo của các quan chức (công chức nhà nước) và làm rõ mối quan hệ giữa các quan chức và các bên liên quan.
Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ quốc gia, trong đó quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với các quan chức.
Theo Giáo sư Takada, Luật Đạo đức công vụ quốc gia quy định hệ thống báo cáo về thu nhập và quà tặng mà các quan chức nhận được trong một khoảng thời gian nhất định.
Đối với quà tặng, định kỳ 3 tháng/lần, các quan chức giữ vị trí từ phó trưởng phòng trở lên phải nộp báo cáo về quà tặng mà họ đã nhận được từ các bên liên quan cho bộ/cơ quan chủ quản nếu các quà tặng đó có giá trị từ 5.000 yen (khoảng 800.000 đồng) trở lên.
Đối với thu nhập, định kỳ hằng năm, các quan chức giữ vị trí từ vụ phó trở lên ở các bộ, ngành đều phải nộp báo cáo thu nhập cho bộ/cơ quan chủ quản.
Giáo sư Takada nhấn mạnh mặc dù có quy định báo cáo về thu nhập và quà tặng nhưng Nhật Bản không có quy định yêu cầu quan chức ở các bộ, ngành trung ương phải báo cáo về tài sản.
Thay vào đó, chỉ có quy định yêu cầu các quan chức giữ vị trí từ vụ phó trở lên phải nộp báo cáo hằng năm về các giao dịch chứng khoán của mình.
Các quan chức giữ vị trí từ vụ phó trở lên phải nộp 3 loại báo cáo, gồm báo cáo thu nhập, báo cáo giao dịch chứng khoán hằng năm và báo cáo quà tặng hằng quý cho bộ/cơ quan chủ quản, trong khi các quan chức giữ vị trí từ phó trưởng phòng trở lên chỉ phải nộp báo cáo quà tặng hằng quý.
Sau đó, tất cả các báo cáo thu nhập và báo cáo giao dịch chứng khoán đều được các bộ/cơ quan chủ quản sao ra một bản để chuyển về Ban Đạo đức công vụ quốc gia.
Riêng đối với các báo cáo quà tặng, chỉ có các báo cáo của các quan chức giữ vị trí từ vụ phó trở lên mới phải gửi về Ban Đạo đức công vụ quốc gia.
Liên quan tới việc phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý các báo cáo, Giáo sư Takada cho biết đối với các báo cáo quà tặng của các quan chức, khi được người dân yêu cầu, các bộ, ngành có nghĩa vụ phải công khai các báo cáo này.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với các quà tặng có giá trị từ 20.000 yen trở lên. Ban Đạo đức công vụ quốc gia sẽ thẩm tra tất cả các báo cáo quà tặng. Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ban sẽ làm thủ tục để xử phạt hành chính đối với các quan chức vi phạm.
Về việc thực thi Luật Đạo đức công vụ quốc gia trong thực tế ở Nhật Bản, Giáo sư Takada nêu rõ: “Hệ thống báo cáo trên bắt đầu triển khai từ năm 2000 nên nó đã có lịch sử hơn 20 năm. Trong thời gian đó, số vụ vi phạm pháp luật mà Ban Đạo đức công vụ quốc gia đã phát hiện ra không nhiều. Tôi cho rằng kết quả đó cho thấy hệ thống này phát huy hiệu quả trong việc hạn chế các quan chức có các hành vi có thể bị coi là vi phạm pháp luật.”
Đối với hệ thống báo cáo thu nhập, theo Giáo sư Takada, các báo cáo này được các quan chức nộp cho bộ/ cơ quan chủ quản, sau đó sẽ được chuyển đến Ban Đạo đức công vụ quốc gia để thẩm tra.
Các báo cáo này không được công bố. Đến nay ban chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm./.